Cảnh báo ngân hàng tập trung vốn vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước khẳng định nếu các ngân hàng có tỉ lệ tín dụng tập trung cao vào các lĩnh vực có rủi ro (trong đó có bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp), cơ quan thanh tra giám sát sẽ có văn bản cảnh báo để kiểm soát.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020, phóng viên nêu câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chủ trương kiểm soát chặt tín dụng vào vốn bất động sản, tuy nhiên thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu DN, có một số ngân hàng mua số lượng lớn, vậy quan điểm của NHNN như thế nào?
Trả lời câu hỏi, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định chủ trương của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả. Thời gian vừa qua, NHNN chỉ đạo các TCTD luôn theo dõi sát, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực rủi ro. Tín dụng lĩnh vực bất động sản hay tín dụng lĩnh vực chứng khoán là những khoản tín dụng thường có kỳ hạn dài, tính chất huy động của TCTD vốn ngắn hạn rất lớn, do đó luôn luôn phải bảo đảm thời gian chi trả của người dân và DN. Những tín dụng dài hạn này rất rủi ro về mặt thanh khoản; bên cạnh đó những khoản tín dụng dài hạn đòi hỏi việc đánh giá, thẩm định khả năng thu hồi vốn để duy trì dòng tiền trong tương lai thường khó hơn.
Với trái phiếu DN, các giải pháp điều hành của NHNN vẫn đang tính TCTD mua trái phiếu DN tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các TCTD này, như vậy cũng là một biện pháp kiểm soát. Thứ hai, các đơn vị chức năng, đặc biệt là cơ quan thanh tra giám sát, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thường xuyên theo dõi, báo cáo về các TCTD. Nếu các TCTD có tỉ lệ tín dụng tập trung cao vào các lĩnh vực có rủi ro (trong đó có bất động sản, trái phiếu DN), cơ quan thanh tra giám sát sẽ có văn bản cảnh báo để các TCTD này kiểm soát, không được chủ quan khi cấp tín dụng đối với các lĩnh vực này.
Khó hoàn thành mục tiêu kiểm soát tỉ lệ nợ xấu
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, cho biết hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của TCTD như: Tín dụng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước; dịch bệnh tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn trong thời gian tới, gia tăng nợ xấu toàn ngành, ảnh hưởng đến việc kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ xấu của các TCTD; đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại phương án cơ cấu lại. Do đó, dự kiến một số mục tiêu tại Đề án 1058 khó có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2020, trong đó có mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.113,7 ngàn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 ngàn tỷ đồng.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng nếu như đại dịch Covid-19 không xảy ra, hệ thống ngân hàng có thể đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2020 theo mục tiêu đề ra tại Đề án 1058 và Nghị quyết 42. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến doanh thu và thu nhập của DN, bản thân DN rất khó khăn trong trả nợ. Ngành ngân hàng đã rất cố gắng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các nhóm nợ, nhưng vẫn nằm trong nợ xấu tiềm ẩn. Ngành ngân hàng đã chỉ đạo nhiều giải pháp xử lý nợ xấu, trong cho vay mới có biện pháp hạn chế nợ xấu phát sinh. Việc xử lý nợ xấu vẫn đang tiếp tục được thực hiện.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh cho biết một số giải pháp trọng tâm để tiếp tục triển khai công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, trong đó có việc hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại ngân hàng mua bắt buộc, các TCTD yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém để ngăn ngừa rủi ro phát sinh ảnh hưởng đến an ninh, tiền tệ tín dụng. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị các thủ tục thực hiện tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tiếp tục xây dựng lộ trình tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2026...