Ngân hàng sắp bị M&A: Lợi nhuận bèo, cổ đông “rơi lệ”
(Tài chính) Báo cáo tài chính năm 2014 và chỉ tiêu kinh doanh năm 2015 của những ngân hàng sắp bị mua bán và sáp nhập (M&A) đang khiến cổ đông “rơi lệ” vì tình hình tài chính không mấy khả quan.
Hé lộ nhiều thương vụ M&A ngân hàng
Ngày 17/4 tới đây, BIDV và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cùng tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015. Theo báo cáo của Ban điều hành trình cổ đông mà MHB vừa công bố, ngân hàng này đã hoàn tất việc xây dựng đề án tái cơ cấu MHB đến năm 2015 để trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Như vậy, thương vụ sáp nhập BIDV - MHB không còn là tin đồn nữa. Trước đó, Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng thừa nhận mối “lương duyên” VietinBank - PGBank.
Ngay đầu tháng 4 vừa qua, Tổng giám đốc NamABank cũng đã từ nhiệm để ứng cử chức thành viên HĐQT Eximbank. Điều này cho thấy, thương vụ sáp nhập NamABank - Eximbank cũng không còn là tin đồn.
Trước đó, giữa tháng 3/2015, Thống đốc NHNN đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Maritime Bank theo Đề án sáp nhập đã được hai ngân hàng trình.
Cho đến nay, thương vụ M&A Vietcombank - Saigon Bank được coi là đã “hai năm rõ mười”, nhưng chưa được người trong cuộc chính thức thừa nhận. Ngược lại, thương vụ sáp nhập DongABank - ABBank vẫn còn bỏ ngỏ.
Thương vụ M&A Sacombank - Southern Bank được coi là trắc trở nhất. Dù đã được ĐHĐCĐ hai ngân hàng thông qua từ năm ngoái, song đến nay, Đề án sáp nhập hai ngân hàng này vẫn chưa được NHNN chính thức phê duyệt.
Cổ đông buồn rầu vì lợi nhuận quá hẻo
Những thương vụ M&A dần lộ sáng trước mùa ĐHĐCĐ đang khiến cổ đông đứng ngồi không yên. Nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra thất vọng trước chỉ tiêu lợi nhuận năm 2015 cũng như kết quả lợi nhuận năm 2014 mà nhiều ngân hàng vừa công bố.
Theo tài liệu mà Saigon Bank đưa ra trình ĐHĐCĐ, mục tiêu lợi nhuận năm 2015 của ngân hàng này chỉ vỏn vẹn 50 tỷ đồng, giảm 78% so với mức thực hiện năm 2014 (230 tỷ đồng). Nguyên nhân của việc sút giảm lợi nhuận này là do SaigonBank để dành nguồn lực để xử lý nợ xấu trước khi “về một nhà với Vietcombank”.
Cũng trong “tầm ngắm” sáp nhập, Eximbank đã cho thấy kết quả kinh doanh khá bết bát trong năm 2014. Cụ thể, trong năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ là 68,7 tỷ đồng, giảm 91,5% so với năm 2013 và chỉ đạt 4% kế hoạch năm. Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, cũng như SaiGon Bank, Eximbank buộc phải “cắn răng” hy sinh lợi nhuận để “làm sạch” nợ xấu trước khi sáp nhập với NamABank. Cụ thể, năm 2014, chi phí dự phòng rủi ro của Eximbank là gần 589 tỷ đồng, tăng 189% so với năm 2013. So với thời kỳ đỉnh cao với lợi nhuận 2.139 tỷ đồng, thì rõ ràng, Eximbank đã có bước thụt lùi đáng kể.
Không đến mức bết bát như Eximbank, song MDB lẫn Maritime Bank cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan trước thềm sáp nhập. Hiện Maritime Bank chưa công bố báo cáo tài chính năm 2014, song tính đến ngày 30/6/2014, tín dụng tăng trưởng âm 6,36%, lợi nhuận trước thuế hơn 98 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2013.
Bí ẩn hơn cả là hai trường hợp Southern Bank, GPBank. Nhiều năm nay, kết quả kinh doanh của hai ngân hàng này vẫn là ẩn số. Năm 2014, Southern Bank từng gây “sốc” cho cổ đông, khi chỉ lợi nhuận trước thuế chỉ là 18 tỷ đồng, song lại chia thưởng cho HĐQT tới 13 tỷ đồng, cổ đông nhỏ trắng tay. Năm 2014, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 360 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 5%. Tuy vậy, cho đến nay, ngân hàng vẫn chưa công bố kết quả lợi nhuận năm 2014.
Trong khi đó, sau khi phương án bán 100% vốn cho đối tác ngoại thất bại, GPBank cũng đang đứng trước áp lực có thể bị quốc hữu hóa, cùng với Ocean Bank.
Theo tin của nhiều ngân hàng, năm nay, NHNN đã “siết” quy định chia cổ tức. Những ngân hàng có lãi, mức chia cổ tức lớn nhất cũng chỉ được 9-10%. Còn với những ngân hàng đang tái cơ cấu, chia cổ tức chỉ được tính tới, sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Như vậy, hy vọng được trả cổ tức đối với cổ đông các ngân hàng sắp sáp nhập là rất mong manh trong mùa ĐHĐCĐ năm nay.