Ngân hàng số - Cơ hội và thách thức

Theo Hồng Anh/nhandan.vn

Chuyển đổi số đối với ngành ngân hàng, đến nay không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp ngành ngân hàng cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.

Nhiều ngân hàng thương mại ứng dụng các công nghệ AI, ML và Big Data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân. Nguồn: internet
Nhiều ngân hàng thương mại ứng dụng các công nghệ AI, ML và Big Data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân. Nguồn: internet

Phát triển hạ tầng số

Ðến nay, thanh toán qua mã QR đã không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Chúng ta đang dần quen hơn với hình ảnh giao dịch mua bán không sử dụng tiền mặt. Người bán đưa mã QR, người mua dùng điện thoại thông minh, chụp mã và thanh toán. Mọi giao dịch chỉ tính bằng giây. Trước đây, mỗi ngân hàng Việt Nam sử dụng một mã QR riêng, chỉ cho phép giao dịch trong nội bộ mỗi ngân hàng.

Từ ngày 15/6, người dân có thể chuyển tiền liên ngân hàng bằng mã VietQR, khi các ngân hàng đã áp dụng theo một chuẩn QR chung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo Thành viên Ban điều hành, Giám đốc Ngân hàng số Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Vũ Thành Trung, phương thức giao dịch qua mã QR sẽ giúp việc chuyển khoản/thanh toán trở nên đơn giản và thuận tiện hơn, VietQR thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt đến các đối tượng trước nay vẫn quen dùng phương tiện thanh toán truyền thống.

Chuyển đổi số hướng tới cung cấp dịch vụ ngân hàng số được xác định là đòn bẩy cho sự tăng trưởng của các ngân hàng thương mại. Nhìn rộng hơn, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng xác định mục tiêu và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" cũng xác định ngân hàng là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây ký Quyết định số 810 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, một số chỉ tiêu cụ thể được đặt ra như: Ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025 và đến năm 2030 là 70%. Chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030.

Chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động: đến năm 2025 đạt ít nhất 50% và đến năm 2030, đạt ít nhất 70%... Sự chuyển biến từ nhận thức, giờ đây đã trở thành chuyển biến trong hành động với các chỉ tiêu được lượng hóa cụ thể.

Trước khi Kế hoạch này được ban hành, ngành ngân hàng nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng thời gian qua đều nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nắm bắt kịp thời những tiến bộ khoa học của thế giới, ứng dụng trong hoạt động để đẩy nhanh tiến trình số hóa, gia tăng khả năng thích ứng với trạng thái "bình thường mới" và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ "hậu" Covid-19.

Theo khảo sát sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay khoảng 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đang triển khai chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng thương mại ứng dụng các công nghệ AI, ML và Big Data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân,... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút thời gian giải ngân, cho vay. Ðáng chú ý, nhiều ngân hàng thương mại đã cho phép khách hàng mở tài khoản hoàn toàn trực tuyến trên ứng dụng điện thoại di động, thay vì phải đến tận ngân hàng để giao dịch như trước đây.

Báo cáo về các thiết bị di động của hãng Ericsson mới đây cho thấy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ người dân sử dụng thiết bị di động tăng nhanh nhất trên thế giới. Với hơn 64 triệu người đang sử dụng mạng internet, chiếm gần 70% dân số; hơn 72% số người dân sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho phát triển ngân hàng số.

"Hóa giải" thách thức

Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động chuyển đổi số, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và ban hành quy định kịp thời, phù hợp như: quy định liên quan đến mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip,...),…

Tuy nhiên, thực tế triển khai còn không ít khó khăn. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, thách thức đầu tiên là về sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành liên quan giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử; việc định danh và xác thực khách hàng điện tử; việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ,... với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng. Thứ ba, thách thức từ thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi của người tiêu dùng; việc bảo đảm an ninh an toàn và huy động, bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số.

Ðể hóa giải những thách thức này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp: tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được luật hóa và các quy định pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng.

Trong đó, ưu tiên các nội dung liên quan ứng dụng công nghệ số như: thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng; giao dịch điện tử; ban hành các tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật,… Song song với đó, mở rộng và phát triển hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ hướng tới thiết lập hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác, từ đó mở rộng hệ sinh thái số.

Tuy nhiên, sự tháo gỡ từ riêng phía ngành ngân hàng sẽ không đủ. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, chuyển đổi số ngành ngân hàng là một cấu phần trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

Chính phủ cần ban hành nghị định về định danh và xác thực điện tử và xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng. Ðồng thời, sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, có cơ chế cho phép ngành ngân hàng được kết nối và khai thác, chia sẻ thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.