Ngân hàng số: Cú hích cho ngành tài chính Hàn Quốc?

Theo daibieunhandan.vn

Trong vài năm gần đây, nhiều ngân hàng truyền thống ở Hàn Quốc lao đao trước sự bùng nổ của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Hàng loạt ngân hàng đã phải cắt giảm nhân sự và thu hẹp quy mô hoạt động. Liệu đây có phải thời cơ cho các ngân hàng số (cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng chỉ dựa trên nền tảng internet) ra đời và phát triển ở “xứ sở Kim Chi”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Khi các ngân hàng truyền thống lao đao

Các số liệu thống kê chính thức của Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) Hàn Quốc cho thấy tổng số nhân viên của các ngân hàng đang hoạt động ở nước này vào cuối năm 2016 là 114.775, giảm 2.248 người so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là năm có mức giảm mạnh nhất kể từ 2010.

Cũng theo FSS, đến cuối năm 2016, tổng số chi nhánh và văn phòng đại diện của các ngân hàng trong nước là 7.103, giảm 175 so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2002, thời điểm FSS bắt đầu thu thập thông tin về vấn đề này.

Đáng chú ý, số lượng các máy rút tiền tự động (ATM) và các loại máy rút tiền mặt (cash dispenser) khác cũng giảm từ 51.115 máy vào cuối năm 2015 xuống còn 48.474 máy vào cuối năm 2016, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2003.

Nguyên nhân chủ yếu khiến đa số các ngân hàng truyền thống ở Hàn Quốc phải cắt giảm nhân sự và thu hẹp quy mô hoạt động là do nhiều khách hàng có xu hướng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử như internet banking hoặc mobile banking thay vì đến ngân hàng để giao dịch trực tiếp.

Thống kê của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho thấy gần 81% trong tổng số các yêu cầu tra cứu thông tin ở tất cả các ngân hàng được thực hiện qua các dịch vụ ngân hàng điện tử trong tháng 12/2016. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2005 khi BOK bắt đầu thống kê về vấn đề này.

Sự xuất hiện của các ngân hàng số

Đúng vào thời điểm các ngân hàng truyền thống đang lao đao thì ở Hàn Quốc đã bắt đầu xuất hiện các ngân hàng số. Ngày 3/4 vừa qua, K-Bank, ngân hàng số đầu tiên chỉ cung cấp dịch vụ trên internet, đã đi vào hoạt động ở nước này. Đây là một trong hai ngân hàng số mà Chính phủ Hàn Quốc đã cấp phép kể từ đầu năm đến nay.

Là liên danh giữa tập đoàn viễn thông KT Corp., ngân hàng Woori Bank và 19 công ty khác, K-Bank có khoảng 200 nhân viên và vốn điều lệ là 250 tỷ won (khoảng 224,5 triệu USD). Trụ sở chính của ngân hàng số này nằm ở quận trung tâm Gwanghwamun của Thủ đô Seoul.

K-Bank cung cấp các dịch vụ ngân hàng và tài chính 24/24 giờ và vào tất cả các ngày trong năm thông qua internet mà không có chi nhánh hữu hình. Các khách hàng của K-Bank có thể thực hiện mọi giao dịch, từ việc mở tài khoản đến vay vốn, trên smartphone của họ. Theo các quan chức của K-Bank, ngân hàng này nhắm tới các khách hàng là những người sử dụng internet có độ tuổi từ 20 đến 40.

Các dịch vụ của K-Bank gồm 5 sản phẩm tiền gửi, 3 sản phẩm tín dụng và 2 sản phẩm thẻ ghi nợ. Trong số này, đáng chú ý là sản phẩm tiền gửi thông thường Code K với lãi suất 2%/năm, cao nhất trong các ngân hàng thuộc top đầu ở Hàn Quốc.

Lý giải về mức lãi suất hấp dẫn này, ông Shim Sung-hoon, CEO của K-Bank, cho biết: “Chi phí của chúng tôi chỉ bao gồm tiền thuê một tòa nhà văn phòng, lương cho nhân viên và chi phí duy trì hoạt động của các máy chủ (server). Trong cuộc cạnh tranh về giá, chúng tôi có vị thế vượt trội so với các ngân hàng có từ 15.000 đến 20.000 nhân viên”.

Bình luận về sự ra đời của K-Bank, ông Yim Jong-yong, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) của Hàn Quốc, cho rằng ngân hàng số này mang lại sự đổi mới và khả năng cạnh tranh cao hơn trong lĩnh vực tài chính, đồng thời mang lại lợi ích cho người dân và tạo thêm việc làm có chất lượng trong lĩnh vực tài chính - công nghệ.

Cũng theo ông Yim, ngoài K-Bank, một ngân hàng số khác là Kakao Bank sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong quý II/2017.

Với số vốn điều lệ 300 tỷ won, Kakao Bank là công ty liên danh giữa Công ty công nghệ Kakao Corp, Ngân hàng Kookmin Bank, tập đoàn Korea Investment Holdings Co., Tập đoàn Tencent của Trung Quốc và một số công ty khác, trong đó riêng Korea Investment Holdings Co. nắm giữ 58% cổ phần của Kakao Bank.

Theo giới phân tích, so với các ngân hàng truyền thống, các ngân hàng số như K Bank và Kakao Bank có chi phí hoạt động thấp hơn do không tốn chi phí để duy trì hoạt động của các chi nhánh/văn phòng đại diện và có số lượng nhân viên ít hơn. Nhờ vậy, các ngân hàng số có thể trả lãi cao hơn cho người gửi tiền, đồng thời cung cấp các khoản vay có lãi suất thấp hơn cho khách hàng được các ngân hàng truyền thống xác định là có chỉ số xếp hạng tín dụng thấp.

Chính vì vậy, một số nhà phân tích dự đoán sự ra đời của các ngân hàng số có thể sẽ tạo ra “cú hích” cho sự phát triển của ngành tài chính ở Hàn Quốc, vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như đà tăng trưởng suy giảm và lợi nhuận cận biên thấp.

Tuy nhiên, để có một “cú hích” như vậy, giới phân tích cho rằng Seoul cần sớm dỡ bỏ các rào cản về mặt pháp lý đối với sự phát triển của các ngân hàng số. 

Cụ thể, các quy định pháp luật về ngân hàng hiện hành ở Hàn Quốc cấm các công ty không hoạt động trong lĩnh vực tài chính sở hữu trên 4% cổ phần trong một ngân hàng.

Quy định này nhằm hạn chế các tập đoàn công nghiệp khổng lồ như Samsung sử dụng ngân hàng như kho bạc của mình. Tuy nhiên, nó đang cản trở các ngân hàng số như K-Bank huy động vốn.

Để dỡ bỏ rào cản đó, Chính phủ Hàn Quốc đã soạn thảo dự luật sửa đổi quy định hiện hành nhằm cho phép các công ty công nghệ thông tin sở hữu tới 50% cổ phần của một ngân hàng số. Tuy nhiên, hiện tại, các dự luật như vậy vẫn đang “tắc” ở Quốc hội do sự phản đối quyết liệt của một số nghị sĩ.

Ông Shim lo ngại nói: “Nếu dự luật này không được Quốc hội thông qua, điều đó sẽ gây khó khăn cho các cổ đông của chúng tôi trong việc tăng vốn theo tỷ lệ vốn góp của họ trên thực tế. Mặc dù vậy, tôi vẫn hy vọng rằng chúng tôi có thể huy động vốn vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau”.