Ngân hàng số hướng đến mô hình tự phục vụ

Theo Diễm Ngọc/enternews.vn

Ngân hàng số hướng tới tự phục vụ là một sáng kiến phù hợp với xu hướng hiện nay và cải thiện đáng kể trải nghiệm của khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Từ đổi mới đến cách mạng

Trong quá khứ, các ngân hàng lớn đã từng phớt lờ trước sự trỗi dậy của các công ty Fintech, nhưng theo thời gian, khu vực Fintech đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, nhờ sáng tạo sản phẩm vượt trội so với các ngân hàng truyền thống.

Đến nay, áp lực chuyển đổi số, chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng và viễn cảnh sử dụng Big data, AI, Machine learning trong quản trị ngân hàng là một trong những vấn đề then chốt trong cuộc cách mạng tài chính đang diễn ra.

Có thể thấy, sự phổ biến của tiền mã hoá (Cryptocurrency), tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC), tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile money), ví điện tử (E-wallet), chuyển tiền ngang hàng (P2P transfer), thanh toán di động (Mobile payment), cho vay ngang hàng (P2P lending), huy động vốn cộng đồng (Equity-based crowdfunding),.... đã cho thấy sản phẩm tài chính số và  mô hình dựa trên công nghệ phát triển mạnh mẽ ra sao.

Ông Đinh Hồng Sơn, Chuyên gia tài chính số nhận định, chính sự phát triển quá nhanh của Fintech đã gây nhiều lúng túng cho các nhà hoạch định chính sách ở cả các nước phát triển, cũng như đang phát triển.

Theo đó, mức độ phản ứng, ứng xử của các Chính phủ với các ứng dụng của Fintech trong hoạt động ngân hàng là khác nhau, tùy thuộc vào khuôn khổ thể chế, trình độ phát triển, năng lực quản trị, các đặc trưng của khu vực tài chính, cơ cấu kinh tế, nhân khẩu học và kể cả khẩu vị rủi ro.

“Vì vậy, các quốc gia cần phải liên tục theo dõi sự phát triển, đầu tư cho nghiên cứu chính sách, thử nghiệm và học hỏi, nhằm sớm có phản ứng phù hợp, cần thiết đối với những thay đổi diễn ra ở các quốc gia khác, cũng như xu thế chung trên toàn thế giới, đồng thời, các chính sách cần được xây dựng phù hợp, nhanh chóng, bắt kịp tốc độ phát triển ngày càng cao”, ông Sơn phân tích.

Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin. Mới đây, "Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của NHNN xác định mục tiêu hướng đến vào năm 2025 đảm bảo 60% tổ chức tín dụng có tỉ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%.

Hướng tới ngân hàng tự phục vụ

Trong Báo cáo Ứng dụng Ngân hàng số tại Việt Nam chỉ ra, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng thường chia theo 3 giai đoạn chính:

Thứ nhất là giai đoạn số hoá, các ngân hàng cải thiện hiệu quả hoặc tối ưu hoạt động bằng cách áp dụng công nghệ vào các dữ liệu, tài nguyên hoặc quy trình riêng lẻ trong hoạt động.

Thứ hai là giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số, các ngân hàng bắt đầu thực hiện số hóa toàn bộ hoạt động ngân hàng, tích hợp và kết nối các quy trình số để tạo nên hành trình trải nghiệm khách hang mang tính cá nhân.

Thứ ba là giai đoạn tái tạo số, các ngân hàng kết hợp công nghệ và nền tảng kỹ thuật số chưa từng có trước đây để tạo ra doanh thu, kết quả thông qua các chiến lược sản phẩm cùng trải nghiệm sáng tạo.

Thực tế, phần lớn các ngân hàng tại Việt Nam mới triển khai ở giai đoạn một và giai đoạn hai thông qua chủ động lựa chọn hợp tác với các tổ chức công nghệ tài chính (Bigtech, Fintech…) để thực hiện số hoá sản phẩm, dịch vụ và xây dựng các kênh phân phối hiện đại cho khách hàng.

Việc xây dựng mô hình ngân hàng giao dịch tự động kịp thời nắm bắt xu hướng “tự phục vụ” với hàm lượng số cao, cho phép khách hàng chủ động thực hiện các giao dịch một cách thuận tiện (Ảnh: MB)

Điển hình như trường hợp MBBank, đã chọn sự kết hợp giữa chiến lược tài chính của ngân hàng và các giải pháp công nghệ thông tin sáng tạo, để cho ra đời mô hình ngân hàng tự phục vụ MB SmartBank với giải pháp phát hành thẻ ngay lập tức do MK và Entrust triển khai. Nhiều ngân hàng cũng đã triển khai mô hình tự phục vụ và các app tiện lợi ngân hàng số, điển hình như VietinBank, BIDV, Vietcombank, VPBank, HDBank...

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều ngân hàng đã triển khai thực hiện mô hình ngân hàng số và cũng đã nhận được sự quan tâm, cũng như  phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Tuy nhiên, quá trình phát triển ngân hàng số cần có lộ trình, không thể triển khai ngay một lần ở quy mô rộng, mà cần có thời gian quan sát, theo dõi sự thích ứng của khách hàng, nhằm có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp. Mặt khác cần có sự nghiên cứu kinh nghiệm từ các ngân hàng số trong khu vực và trên thế giới.

Theo quan điểm của ngân hàng DBS Singapore, ngân hàng số phải được số hoá từ khâu tiếp xúc khách hàng đến khâu hỗ trợ phía sau. Đồng thời, phải tự động hoá được các quy trình và dịch vụ, giảm thiểu tác nghiệp của con người. DBS là ngân hàng đã rất thức thời triển khai nền tảng số mạnh mẽ tại Ấn Độ và Indonesia, thu hút hàng triệu lượt người dùng và mang về lợi nhuận tích cực cho nhà băng.

Điểm nổi bật về ngân hàng số của DBS là triển khai ngân hàng số đầu tiên ở Ấn Độ chỉ với kênh Mobile Banking, đặc trưng là quy trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng không cần giấy tờ, không cần chữ ký và không cần chi nhánh, hỗ trợ khách hàng bằng công nghệ AI.

Cũng tại Ấn Độ, để tạo môi trường thuận lợi cho mục tiêu số hóa ngân hàng, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Công ty Thanh toán Quốc gia (NPCI), cung cấp mã số định danh công dân (Aadhaar), phát triển ví điện tử dựa trên cổng thanh toán hợp nhất UPI...

Cùng với các chính sách thiết lập hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử, Chính phủ Ấn Độ cũng ban hành nhiều cơ chế khuyến khích khác như: Giảm thuế 2% cho thu nhập được thanh toán điện tử thay vì chi trả trực tiếp; Các khoản chi trả vượt hạn mức cho phép hay chuyển tiền từ thiện có đầy đủ chứng từ thanh toán điện tử thì được khấu trừ thuế.

Bên cạnh đó, Chính phủ nước này còn cấm tuyệt đối việc trao đổi tiền mặt giữa các cá nhân có giá trị từ 300,000 Rupi trở lên trong một ngày/một giao dịch/tổng giá trị các giao dịch liên quan đến một hoạt động kinh tế.