Ngân hàng tham gia tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu
(Tài chính) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo tinh thần của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, BIDV đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, với các nội dung cụ thể sau:
Về điều hành tăng trưởng tín dụng: BIDV điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 12%, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Hội nghị ngành ngân hàng năm 2013, tương ứng với dư nợ tín dụng tăng thêm từ 40.000 tỷ - 45.000 tỷ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy SXKD góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Về điều hành lãnh suất cho vay: BIDV nghiêm túc, tuân thủ điều hành lãi suất theo chỉ đạo của NHNN, thực hiện điều hành lãi suất cho vay một cách linh hoạt và hợp lý. Trong năm 2013, BIDV tiếp tục xem xét hạ mặt bằng lãi suất phù hợp với mức giảm của lạm phát để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Về triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh:
- BIDV sẽ tập trung nguồn vốn ưu tiên cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả;
- Dành 30.000 tỷ đồng (trong đó gồm 20.000 tỷ đồng cấp tín dụng, 5.000 tỷ đồng đầu tư trái phiếu và 5.000 tỷ đồng dự phòng) để mở rộng quốc lộ 1A đoạn Hà Nội – Cần Thơ trong giai đoạn 2013-2016.
- Thực hiện cho vay mới với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung. Xem xét gia hạn thời hạn cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
- Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt nam tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/04/2012: giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại nợ theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khách hàng.
- BIDV thực hiện cơ cấu nợ, giảm miễn lãi để khuyến khích khách hàng trả nợ gốc và lãi đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời trong sản xuất kinh doanh. Rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn cao.
- Với tư cách là Chủ tịch của 3 Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), BIDV không ngừng tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng cơ hội giao thương, buôn bán tại các nước Lào, Myanmar, Campuchia.
Về triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản:
Trong giai đoạn năm 2013-2015, BIDV dự kiến sẽ dành khoảng 30.000 tỷ để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cụ thể:
- Dành khoảng 19.500 tỷ đồng để triển khai gói sản phẩm cho vay cá nhân để mua, thuê mua nhà xã hội, trong đó riêng năm 2013 khoảng 3.000 tỷ, cho vay đối tượng: (i) cá nhân có thu nhập thấp, trung bình không đủ điều kiện được giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội nhưng có nhu cầu về nhà ở; (ii) Các đối tượng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng đã xuống cấp hư hỏng hoặc diện tích bình quân dưới 8 m2 sàn/người; các hộ gia đình thuộc diện tái định cư mà chưa được Nhà nước bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư (chỉ áp dụng đối với các khách hàng thuộc đối tượng nói trên mua nhà ở có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2). Cụ thể:
+ Mức cho vay: Tối đa 85% giá trị nhà mua.
+ Thời hạn cho vay: Tối đa 15 năm.
+ Lãi suất cho vay: Bằng 90% lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của BIDV.
+ Nguồn trả nợ: Khách hàng vay phải có nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ vay trong thời gian vay vốn.
+ Tài sản đảm bảo: Tài sản hình thành từ vốn vay, việc nhận tài sản đảm bảo thực hiện theo quy định hiện hành.
- Dành khoảng 10.500 tỷ cho Chương trình Nhà ở xã hội giai đoạn 2013-2015 để cho vay các đối tượng: (i) Chủ đầu tư triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích sàn căn hộ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 sàn; (ii) Chính quyền địa phương trực tiếp triển khai đầu tư hoặc mua lại nhà ở phục vụ cho các chương trình nhà ở tái định cư, tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách, lực lượng vũ trang, nhà ở cho cán bộ công nhân viên thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp; Ưu tiên triển khai dự án ở địa bàn tại các thành phố lớn: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... và các khu công nghiệp có nhiều công nhân lao động; Ưu tiên xem xét tài trợ vốn cho nhà ở công nhân của ngành than, nhà ở cho lực lượng vũ trang (công an, quân đội) và nhà ở cho cán bộ công nhân viên ngành y tế.
+ Mức cho vay: Tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Mức cho vay cụ thể đối với từng dự án do BIDV quyết định sau khi tiến hành thẩm định hồ sơ vay vốn.
+ Thời hạn cho vay: 36 tháng, trường hợp đặc biệt tối đa 60 tháng.
+ Lãi suất cho vay: Trong giai đoạn 2013- 2015: lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt nam VDB (lãi suất ưu đãi); Trong thời gian còn lại (sau năm 2015): lãi suất cho vay bằng lãi suất thương mại thông thường của BIDV.
Về triển khai các nhóm giải pháp về xử lý nợ xấu, tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích đủ dự phòng rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống:
- Rà soát, đánh giá lại toàn bộ danh mục nợ xấu, đánh giá lại TSĐB của khoản vay, khả năng thu hồi. Tăng cường giám sát chất lượng tín dụng trong hệ thống trên cơ sở thường xuyên rà soát, đánh giá mức độ khó khăn trong hoạt động của từng khách hàng để tìm biện pháp tháo gỡ xử lý.
- Phối hợp chặt chẽ với Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), Công ty quản lý tài sản Việt Nam (khi đơn vị này đi vào hoạt động chính thức) để tăng cường hợp tác xử lý nợ xấu.
- Tiếp tục xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp M&A để tạo nguồn trả nợ ngân hàng. Xem xét tài trợ vốn cho các doanh nghiệp/đối tác có năng lực mua lại các dự án/tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp khó khăn để thu hồi nợ vay.
- Bám sát kế hoạch triển khai phương án xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước của Bộ Tài chính trong quá trình thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước tại BIDV.
- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng trong toàn hệ thống về việc thực hiện các quy định về tín dụng, phân loại nợ và trích lập DPRR. Trích lập đúng, đủ DPRR đảm bảo xử lý nợ xấu theo thông lệ và quy định của pháp luật.
Tăng cường vai trò của BIDV tham gia thị trường vàng và tiếp tục tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém còn lại theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.Tiếp tục nâng cao vai trò và trách nhiệm của một Doanh nghiệp nhà nước đối với sự phát triển chung của cộng đồng thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội trong và ngoài nước có hiệu quả thiết thực với kế hoạch ngân sách phù hợp:
- Tiếp tục triển khai Kế hoạch an sinh xã hội giai đoạn 2011-2013: Hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30ª, Hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, thực hiện chương trình “Quà Tết cho người nghèo”, quà Tết tới các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa, hỗ trợ cho các lĩnh vực trọng điểm như: Hỗ trợ giáo dục, dạy nghề và y tế.
- Tiếp tục chủ động, tích cực thực hiện đường lối ngoại giao nhân dân, hỗ trợ người dân khó khăn ở các quốc gia có quan hệ mật thiết như Lào, Campuchia, Myanmar, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.