Ngân hàng Trung ương và chính quyền Trung Quốc bắt đầu chính thức hỗ trợ Evergrande

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố đang làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Đông và nhiều cơ quan liên quan nhằm giải quyết tình hình liên quan đến Evergrande.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Giới chức địa phương Trung Quốc đã thông báo họ sẽ cử một nhóm các chuyên gia quản lý rủi ro đến tập đoàn Evergrande bởi doanh nghiệp bất động sản đang gặp rắc rối này cho biết sẽ làm việc với các chủ nợ nhằm hướng đến mục tiêu tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài, theo Nikkei đưa tin.

Giới chức tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc đã triệu tập chủ tịch tập đoàn Evergrande Hứa Gia Ấn vào ngày thứ Sáu. Giới chức cũng đồng ý với đề nghị của Evergrande về việc cử một nhóm chuyên trách làm việc đến doanh nghiệp này. Nhóm này sẽ giúp tăng cường hoạt động quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ.

Việc cử quan chức tỉnh Quảng Đông đến Evergrande cho thấy chính quyền địa phương giờ đây sẽ giữ vai trò trung tâm trong việc cải tổ tập đoàn bất động sản này. Doanh nghiệp hiện đang có tổng khối nợ lên đến 300 tỷ USD, hiện đang đương đầu với rủi ro sụp đổ từng khiến cho thị trường tài chính Trung Quốc nhiều phen sợ hãi.

Các cuộc đối thoại với quan chức địa phương diễn ra sau khi Evergrande vào ngày thứ Sáu công bố đã nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ liên quan đến khoản vay 260 triệu USD. Evergrande công bố có thể không thể có đủ tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình. 

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng công bố đang làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Đông và nhiều cơ quan liên quan nhằm giải quyết tình hình liên quan đến Evergrande. 

Nếu Evergrande không thể thực hiện được nghĩa vụ tài chính, nó có thể khiến cho các chủ nợ yêu cầu doanh nghiệp thanh toán gấp rút. Các khoản nợ mà Evergrande gặp rắc rối đều là nợ bằng đồng USD. Evergrance có thể bị coi là vỡ nợ trong trường hợp không thể thanh toán được.

Tập đoàn vẫn tuân thủ nguyên tắc và pháp luật, đồng thời có kế hoạch làm việc với các chủ nợ nước ngoài nhằm đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nhằm phục vụ cho quyền lợi của các cổ đông.

Cho đến nay, kết quả làm việc giữa Evergrande và các nhà chức trách, quản lý chưa được công bố. Tuy nhiên theo nhiều đồn đoán, Evergrande sẽ đề nghị gia hạn trả nợ với các khoản nợ nước ngoài hoặc giảm nợ. Tuy nhiên các chủ nợ nước ngoài nhiều khả năng sẽ đòi hỏi được trả nợ với các điều khoản tương đương như chủ nợ Trung Quốc, chính vì vậy các cuộc đối thoại chắc chắn sẽ gặp khó.

Phát ngôn viên Ủy ban quản lý ngành ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng các cơ quan quản lý tại cả nội địa và nước ngoài sẽ giải quyết vấn đề theo cách công bằng và tuân thủ luật pháp nhất có thể”.

Khi mà tập đoàn Evergrande đang chật vật đáp ứng các nghĩa vụ nợ với các chủ nợ, nhà cung cấp và chủ sở hữu nhà ở, giới chức Bắc Kinh đang hối thúc ông Hứa dùng tài sản cá nhân để ngăn chặn cuộc khủng hoảng. Chỉ thị này được đưa ra sau khi Evergrande không thể trả được khoản lãi trái phiếu đến hạn ngày 23/9. 

Điều này lập tức hướng sự chú ý đến một câu hỏi khó hơn: ông Hứa có bao nhiêu tiền? Tổng tài sản của ông nhiều khả năng chỉ bằng phần nhỏ của tổng nợ hơn 300 tỷ USD của Evergrande. Mức độ tài sản của ông ra sao sẽ góp phần quyết định mức độ tệ hại của một cuộc khủng hoảng vốn đã làm xáo trộn thị trường nợ Trung Quốc và gây tổn hại niềm tin vào lĩnh vực bất động sản vốn đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng kinh tế của nước này.

Theo tính toán của Bloomberg Billionaires, tài sản của ông Hứa ước tính ở mức khoảng 7,6 tỷ USD, giảm khoảng 42 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2017. Giá trị cổ phần mà ông Hứa nắm giữ tại Evergrande đã giảm đến hơn 80% trong năm nay, tuy nhiên trước đó, ông Hứa đã nhận hơn 7 tỷ USD cổ tức tính từ khi cổ phiếu của doanh nghiệp bắt đầu được niêm yết vào năm 2009. Mức cổ tức mà ông Hứa nhận được như vậy cao nhất so với 82 tỷ phú Trung Quốc khác theo số liệu của Bloomberg.

Câu hỏi về việc tiền của ông Hứa đã đi đâu giờ đây được công chúng hiểu trực tiếp liên quan đến việc liệu doanh nghiệp của ông có đủ khả năng trả nợ trong ngắn hạn. Ông sẽ không phải tỷ phú bất động sản Trung Quốc đầu tiên phải dùng tiền cứu doanh nghiệp: cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản Guangzhou R&F Properties tăng vọt trong tháng trước sau khi các cổ đông lớn cùng cung cấp thêm hơn 1 tỷ USD cho doanh nghiệp.