Ngân hàng và câu chuyện chia sẻ gánh nặng cho nền kinh tế
Lũy kế số tiền lãi, miễn giảm cho khách hàng tính trong 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 18.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, hiệp hội vẫn tiếp tục kiến nghị giảm hơn nữa suất cho vay, dù lợi nhuận ngành Ngân hàng được dự báo hạ nhiệt trong cuối năm.
“Người giàu” cũng đòi giảm lãi suất
Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Trong 7 tháng đầu năm nay, gần 80.000 doanh nghiệp phải rời thị trường do không đủ sức chống đỡ.
Mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng đợt dịch thứ 4 bùng phát với diễn biến phức tạp đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế khó khăn hơn.
Trong khi đó, ngành Ngân hàng vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước. Nhiều ngân hàng báo lãi khủng, tăng trưởng tín dụng vượt trần. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết tăng 55% so với cùng kỳ năm trước, đạt 95.000 tỷ đồng.
Điều này vô hình trung tạo ra nhiều ý kiến trái chiều và tạo áp lực lên các ngân hàng phải giảm lãi suất hơn nữa để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp bị thua lỗ, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề do COVID -19 cầu cứu Chính phủ, đề xuất các ngân hàng thương mại tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ, cho vay với lãi suất 2 - 3%/năm. Thậm chí, có doanh nghiệp nhà thầu xây dựng xin tính lãi suất vay ngân hàng 0%.
Thế nhưng, ngay cả với các doanh nghiệp làm ăn có lãi cũng “đồng lòng” kiến nghị ngân hàng giảm tiếp lãi suất cho vay, thu hẹp khoảng cách giữa suất cho vay và lãi suất tiền gửi.
Cụ thể, khối doanh nghiệp bất động sản, xây dựng có tốc độ tăng trưởng rất cao trong thời gian qua, bất chấp dịch bệnh. Ước tính, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Song, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh mới đây vẫn đề xuất ngân hàng giảm 2% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và người mua nhà.
Hay như một doanh nghiệp thủy sản vừa qua đã khiến dư luận xôn xao khi “tự ái” không nhận phần giảm lãi vay của một ngân hàng lớn. Lý do là doanh nghiệp “chê” mức giảm lãi suất nhỏ giọt của ngân hàng, không đáng bao nhiêu. Trong khi đó, doanh nghiệp này có quy mô lớn nhất cả nước về nuôi trồng, chế biến thủy sản. Doanh thu hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong 7 tháng đầu năm nay tăng khoảng 15% so với cùng kỳ.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 5901/NHNN về việc yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện giảm lãi suất và miễn phí dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đặc biệt, NHNN sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hằng tháng.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc ngân hàng ăn nên làm ra trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, trong khi nhiều doanh nghiệp khó khăn, kiệt quệ có vẻ là “phản cảm” với nhiều người. Tuy nhiên, ngân hàng chính là xuơng sống của nền kinh tế, ngành Ngân hàng có vững chắc, phát triển tốt thì nền kinh tế mới có thể ổn định và có đà để phục hồi.
“Gần đây, đồng loạt các doanh nghiệp, các hiệp hội kiến nghị ngành Ngân hàng phải giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhưng xét về bản chất, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần kinh doanh có lợi nhuận để duy trì hệ thống và trả lương cho nhân viên của mình. Rất khó mà bắt buộc ngân hàng hi sinh lợi nhuận của họ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tổng dư nợ của nền kinh tế hiện vào khoảng 9,6 triệu tỷ đồng. Nếu các ngân hàng thương mại tiến hành giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ, con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 96.000 tỷ đồng. Điều này sẽ tác động khá lớn đến lợi nhuận của ngành trong nửa cuối năm.
Công ty Chứng khoán Maybank KimEng dự tính, giả sử lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm thì mức giảm thu nhập từ lãi trong 4 tháng cuối năm nay của các ngân hàng sẽ rơi vào khoảng 5 - 10% thu nhập lãi thuần ước tính cả năm.
Như vậy, mỗi ngân hàng có thể giảm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tới cả nghìn tỷ đồng. Chưa kể áp lực nợ xấu tăng lên, các ngân hàng phải tích cực trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình của Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/04/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, lợi nhuận trong năm nay và cả năm sau sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Điều này chắc chắn không một ngân hàng nào thực tâm muốn.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc Gia cho biết, trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, việc thực hiện chính sách tiền rẻ, đưa lãi suất về 2 - 3% sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Bởi áp lực lạm phát cả trong và ngoài nước đều khá lớn.
Hơn nữa, muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất huy động tương ứng. Mà khi lãi suất tiền gửi xuống quá thấp, dòng tiền sẽ chảy ra khỏi ngân hàng, khi đó ngân hàng sẽ rất dễ rơi vào bẫy thanh toán.
Đến thời điểm hiện tại, 16 ngân hàng đã thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng.