Quản trị rủi ro tín dụng trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam


Quản trị rủi ro tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng và góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Bài viết phân tích thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại một số ngân hàng thương mại lớn ở Việt Nam trong thời gian qua, từ đó rút ra hàm ý cho hệ thống ngân hàng thương mại trong hoạt động quản trị rủi ro tín dụng.

Quản trị rủi ro tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng
Quản trị rủi ro tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng

Vai trò của quản trị rủi ro tín dụng trong hệ thống ngân hàng

Quản trị rủi ro (RRTD) được hiểu là quá trình nhận diện, phân tích nhân tố rủi ro, đo lường mức độ rủi ro, trên cơ sở đó lựa chọn triển khai các biện pháp và quản lý các hoạt động tín dụng nhằm hạn chế và loại trừ rủi ro trong quá trình cấp tín dụng. Đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), quản trị RRTD có ý nghĩa quan trọng bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, phòng ngừa, hạn chế RRTD là vấn đề khó khăn đối với tất cả các NHTM, bởi lẽ RRTD mang tính tất yếu khách quan, luôn gắn liền với hoạt động tín dụng, đồng thời lại rất đa dạng phức tạp. RRTD thường khó kiểm soát và dẫn đến những thiệt hại, thất thoát về vốn và thu nhập của ngân hàng.

Thứ hai, nếu như hoạt động phòng ngừa hạn chế RRTD được thực hiện tốt thì sẽ đem lại những lợi ích cho NHTM như: Giảm chi phí, nâng cao được thu nhập, bảo toàn vốn cho NHTM; tạo niềm tin cho khách hàng gửi tiền và nhà đầu tư; tạo tiền đề để mở rộng thị trường và tăng uy tín, vị thế, hình ảnh, thị phần cho ngân hàng.

Thứ ba, do vốn chủ sở hữu của ngân hàng so với tổng giá trị tài sản là rất nhỏ, nên chỉ cần một tỷ lệ nhỏ danh mục cho vay có vấn đề sẽ đẩy một ngân hàng tới nguy cơ phá sản. Những khoản vay của doanh nghiệp thường có giá trị lớn nên khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra, nếu khoản vay không thu hồi được sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngân hàng.

Công tác quản trị RRTD tại NHTM thường được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, từ khâu phát hiện rủi ro, đo lường rủi ro, kiểm soát rủi ro và xử lý rủi ro. Cụ thể:

Nhận diện RRTD: Là quá trình xác định liên tục và có hệ thống. Bất kỳ khoản vay nào cũng có thể có vấn đề, việc sớm nhận biết vấn đề và có những biện pháp theo dõi nhanh chóng, chuyên nghiệp giúp các vấn đề, tổn thất có thể giảm đến mức thấp nhất. Những dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp ngân hàng có thể nhận biết và có giải pháp xử lý sớm các vấn đề một cách hiệu quả. Các dấu hiệu nhận biết phổ biến thường tập trung vào dấu hiệu tài chính và dấu hiệu phi tài chính của khách hàng vay.

Đo lường RRTD: Đo lường RRTD là việc lượng hóa mức độ các rủi ro, cũng như biết được xác suất xảy ra rủi ro, mức độ tổn thất khi rủi ro xảy ra để xem xét khả năng chấp nhận nó của ngân hàng. Đây là cơ sở để ngân hàng đưa ra quyết định cho vay cũng như xây dựng biện pháp ứng phó phù hợp, nhanh chóng với RRTD khi tình trạng này xảy ra. Để đo lường RRTD các ngân hàng thường xây dựng các mô hình thích hợp để lượng hóa các rủi ro.

Quản lý và kiểm soát RRTD: Quản lý và kiểm soát RRTD là một hệ thống những công cụ, chính sách, tiêu chuẩn và biện pháp nhằm ngăn ngừa và xử lý RRTD trong một ngân hàng gồm: chính sách tín dụng, quy trình tín dụng, bộ máy quản trị RRTD, các giới hạn tín dụng.

Xử lý RRTD: Xử lý RRTD là bước cuối cùng trong công tác quản trị RRTD. Ở bước này, ngân hàng sẽ đưa ra các quyết định và biện pháp để tài trợ, khắc phục và hạn chế thấp nhất chi phí rủi ro và tổn thất mà RRTD đã gây ra cho ngân hàng.

Thực trạng quản trị rủi ro tín dụng của một số ngân hàng thương mại Việt Nam

Quản trị rủi ro tín dụng tại BIDV

NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong những NHTM có quy mô lớn hàng đầu của Việt Nam. Trong hoạt động cho vay, BIDV chú trọng đến công tác quản trị rủi ro và đạt được những thành công nhất định. Công tác quản trị RRTD tại BIDV được thực hiện như sau:

Về nhận diện RRTD: BIDV tích cực triển khai và hoàn thiện dự án trang bị giải pháp quản lý khoản vay nhằm hỗ trợ công tác đề xuất, thẩm định và phê duyệt tín dụng toàn hệ thống. Sau khi dự án được triển khai sẽ giúp quản lý thông tin tập trung, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ tín dụng, tăng hiệu quả và chất lượng xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch, an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần phục vụ triển khai Basel II theo quy định.

BIDV đã chuyển dần từ quản lý thanh khoản tĩnh sang quản lý thanh khoản động, trong đó đã tính đến các yếu tố mùa vụ, hành vi khách hàng, thay đổi chính sách điều hành Ngân hàng Nhà nước, môi trường kinh tế vĩ mô…; thử nghiệm xây dựng các mô hình kiểm nghiệm khủng hoảng.

Đối với rủi ro lãi suất, BIDV đã thực hiện triển khai các công cụ cơ bản để quản lý rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất như khe hở nhạy cảm lãi suất, thay đổi thu nhập ròng từ lãi, khe hở thời lượng… Các báo cáo được cập nhật thường xuyên (hàng tháng) đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ quản trị rủi ro của ban lãnh đạo.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu, chương trình quản lý tính toán cũng được BIDV xây dựng đồng bộ, tự động và thường xuyên được nâng cấp, chỉnh sửa đáp ứng nhu cầu quản trị thực tế…

Về đo lường RRTD: Đối với công tác đo lường RRTD, BIDV thực hiện các biện pháp để chọn lọc khách hàng vay vốn thông qua hệ thống định hạng xếp loại khách hàng nhằm định lượng mức độ rủi ro cho từng khách hàng. Từ đó, Ngân hàng sẽ có chính sách cho vay phù hợp với mức độ rủi ro của từng khách hàng. Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ được sử dụng trong các quy trình quản trị RRTD như trong ban hành chính sách tín dụng, quy trình tín dụng, giám sát rủi ro danh mục tín dụng, lập báo cáo quản trị rủi ro, chính sách dự phòng RRTD, xác định khung lãi suất chuẩn. BIDV xây dựng 3 hệ thống chấm điểm khác nhau cho 3 loại khách hàng chính là tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế và cá nhân.

Về dự phòng và xử lý RRTD: Từ năm 2016, BIDV đã hoàn thành và đưa vào triển khai hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ mới cùng chương trình phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, qua đó đáp ứng tốt hơn đối với các yêu cầu về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng được quy định theo Thông tư số 02/2013/ TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, tạo bước quan trọng trong việc thu thập các dữ liệu cần thiết để tiến tới xây dựng mô hình định lượng RRTD theo tiêu chuẩn quốc tế (Basel II).

Bên cạnh đó, BIDV đã từng bước áp dụng các kỹ thuật giảm thiểu RRTD đối với khách hàng như: thế chấp tài sản bảo đảm, bảo lãnh của bên thứ ba. BIDV đánh giá phạm vi bảo lãnh với mức độ tín nhiệm, năng lực pháp lý và tiềm lực của bên bảo lãnh. Chỉ những bảo lãnh chắc chắn mới được chấp nhận để bảo đảm cho khoản tín dụng.

Ngoài ra, BIDV còn thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản để tiếp nhận tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh; định giá tài sản đảm bảo và hỗ trợ ngân hàng trong công tác phát mại và bán đấu giá tài sản.

Quản trị rủi ro tín dụng tại VietinBank

NHTM Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) có lĩnh vực kinh doanh rất đa dạng, bao gồm cho vay và đầu tư, tài trợ thương mại, bảo lãnh và tái bảo lãnh, kinh doanh ngoại hối, thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ thẻ, kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm, cho thuê tài chính... trong đó tín dụng là hoạt động kinh doanh chủ lực. Mặc dù, dư nợ tín dụng chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản nhưng tỷ lệ nợ xấu của VietinBank thường xuyên được duy trì ở mức rất thấp. Đạt được thành tựu trên là do VietinBank đã có rất nhiều nỗ lực trong việc quản trị RRTD. Những điểm nổi bật trong quản trị RRTD của VietinBank có thể được chỉ ra là:

Thứ nhất, áp dụng chính sách quản trị RRTD với rất nhiều nội dung như: Phân tán rủi ro, đa dạng hoá các danh mục đầu tư tín dụng, quy định các giới hạn cấp tín dụng, ưu tiên phát triển tín dụng vào những lĩnh vực bền vững có hệ số rủi ro thấp; thắt chặt điều kiện cấp tín dụng với những lĩnh vực có hệ số rủi ro cao; kiểm tra giám sát chặt chẽ tất cả các giai đoạn của quá trình cấp tín dụng nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và ngăn chặn RRTD, giảm thiểu nợ xấu; chủ động nhận diện rủi ro trong hoạt động kinh doanh để có kế hoạch xử lý tín dụng phù hợp, chủ động, phòng ngừa rủi ro.

Thứ hai, thiết lập được bộ máy quản trị RRTD chuyên biệt với các bộ phận được giao nhiệm vụ rất rõ ràng (Hình).

Quản trị rủi ro tín dụng trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam  - Ảnh 1

Thứ ba, quan tâm đến việc đo lường RRTD và đã xây dựng được hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để hỗ trợ việc chấm điểm, xếp hạng và phân loại đối với khách hàng theo mức độ RRTD. Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của VietinBank gồm 2 cấu phần được xây dựng tương ứng với 2 đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp. Đối với khách hàng doanh nghiệp, VietinBank thực hiện việc phân loại theo 4 nhóm ngành nghề (gồm: nông, lâm và ngư nghiệp; thương mại và dịch vụ; xây dựng; công nghiệp) và 3 nhóm quy mô (gồm: doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp vừa; doanh nghiệp nhỏ). Trên cơ sở đó, VietinBank chấm điểm cho doanh nghiệp theo 2 bộ chỉ tiêu (chỉ tiêu tài chính và chỉ tiêu phi tài chính) và phân chia doanh nghiệp thành 10 hạng khác nhau theo mức độ RRTD tăng dần (AA+, AA, AA-, BB+, BB, BB-, CC+, CC, CC-, C).

Điểm quan trọng nhất trong xếp hạng tín dụng nội bộ của VietinBank là xây dựng một hệ thống chỉ tiêu rất chi tiết để đánh giá các mặt năng lực cụ thể của doanh nghiệp và một hệ thống trọng số đo lường ảnh hưởng của từng chỉ tiêu đến kết quả đánh giá năng lực doanh nghiệp. Do đó, việc đo lường và lượng hoá RRTD của khách hàng được thực hiện tương đối chính xác và dễ dàng.

Một số đề xuất

Từ kinh nghiệm của 2 NHTM lớn ở Việt Nam, tác giả rút ra một số hàm ý cho các ngân hàng trong quản trị RRTD sau:

Thứ nhất, các NHTM hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản quản trị RRTD; Thành lập các phòng chuyên trách về quản trị RRTD, cũng như các đơn vị tư vấn liên quan đến quản lý rủi ro.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng và quản trị RRTD. Các ngân hàng cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng để phục vụ cho công tác tín dụng và quản lý RRTD được hiệu quả, tiện lợi và chuyên nghiệp hơn.

Thứ ba, nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng. Bên cạnh các phương pháp truyền thống, các NHTM nên áp dụng phân tích và thẩm định tín dụng sử dụng mô phỏng dòng tiền; Đồng thời, xây dựng chính sách riêng biệt cho các ngành đặc thù và ngành trọng điểm; Tăng cường quản lý và giám sát trước và sau giải ngân…

Thứ tư, hoàn thiện các phương thức đo lường rủi ro tín dụng. Kinh nghiệm của 2 NHTM lớn nêu trên cho thấy, việc xây dựng một hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là rất quan trọng.

Tài liệu tham khảo:

1. Nhóm nghiên cứu, Ban Cân đối Kế hoạch, VDB (2020), Kinh nghiệm quản lý rủi ro tín dụng của một số ngân hàng và bài học đối với VDB, Tạp chí Hỗ trợ phát triển, số Tháng 3/2020;

2. BIDV (2020), Báo cáo thường niên 2019;

3. VietinBank (2020), Báo cáo thường niên 2019;

4. Nguyễn Văn Tiến (2010), Giáo trình Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, NXB Thống kê;

5. Nguyễn Quang Thu (2008), Giáo trình Quản trị rủi ro và Bảo hiểm trong doanh nghiệp, NXB Thống kê.

 (*) TS. Lê Thanh Huyền, ThS. Cù Thị Lan Anh - Trường Đại học Hòa Bình.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2021.