Ngân hàng Việt đầu tư ra nước ngoài: Không phải cứ đi là đến…

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Từ năm 2008, làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các thành viên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu được khởi động dưới nhiều hình thức và ngày càng mạnh mẽ hơn.

Ngân hàng Việt đầu tư ra nước ngoài: Không phải cứ đi là đến…
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường đánh giá xu hướng này hoàn toàn hợp lý nhưng đường đi của các ngân hàng không phải chỉ trải toàn hoa hồng.

Liên tục mở rộng hoạt động

Ngày 11/11, SHB đã tổ chức Lễ khai trương và đưa vào hoạt động chi nhánh thứ ba Toul Pouk ở Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, dự kiến sẽ tiếp tục khai trương chi nhánh thứ tư Por Senchey tại đây vào cuối năm 2014.

Trước đó, năm 2010, Agribank chính thức đánh dấu sự hiện diện tại Campuchia với việc khai trương chi nhánh đầu tiên tại Thủ đô Phnom Penh.

Myanmar sau khi mở cửa nền kinh tế, ngày càng nhiều DN Việt Nam sang mảnh đất này đầu tư. Song song với đó là các ngân hàng “xuất ngoại” để phục vụ DN Việt cũng như DN bản địa… BIDV là đơn vị tiên phong “mở đường” ở thị trường Myanmar từ đầu năm 2010.

Mới đây, NHNN đã chấp thuận cho HDBank thành lập văn phòng đại diện tại Myanmar, hiện Ngân hàng đang tiến hành các bước kế tiếp để văn phòng đại diện này có thể đi vào hoạt động từ tháng 12/2014.

Là ngân hàng tiên phong mở rộng hoạt động tại Lào năm 2008, đến nay, hệ thống của Sacombank ở nước ngoài gồm 1 chi nhánh, 2 quầy giao dịch tại Thủ đô Viêng Chăn.

Còn đối với Vietinbank, hiện diện tại Lào từ năm 2011 và chính thức đi vào hoạt động năm 2012, ngân hàng này hiện có một chi nhánh tại Thủ đô Viêng Chăn và 1 phòng giao dịch tại thị xã Pakse - trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa của 4 tỉnh Nam Lào. Dự kiến đến cuối năm, VietinBank sẽ nâng cấp VietinBank chi nhánh Lào thành Ngân hàng con và phát triển mạng lưới ra các tỉnh, thành và khu kinh tế của Lào.

Đặc biệt, tháng 9/2011, với việc mở chi nhánh tại TP. Frankfurt (Đức), VietinBank đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi trở thành ngân hàng Việt đầu tiên mở rộng hệ thống sang châu Âu và ngay năm sau, VietinBank Chi nhánh Berlin cũng chính thức đi vào hoạt động.

Ông Lê Quốc Nam, Giám đốc chi nhánh VietinBank tại Lào cho biết, khi mở chi nhánh tại nước ngoài, các ngân hàng thường không có lãi, nhưng với VietinBank Lào là ngoại lệ. Nhờ có chiến lược cụ thể, rõ ràng, ngay trong năm 2012 - năm đầu tiên đi vào hoạt động, VietinBank Lào đã có lãi 100.000 USD; năm 2013, lợi nhuận đạt 1,1 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2014 đã chạm tới con số 2,2 triệu USD. Tính đến cuối năm 2013, vốn điều lệ của Vietinbank Lào đạt 22 triệu USD, dư nợ đạt 50,4 triệu USD, tăng 104,9% so với năm trước, tổng tài sản hơn 80,2 triệu USD. 

“Cuộc chơi” không đơn giản

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) cho biết, ông nhận thấy các công ty Việt Nam đang có xu hướng mở rộng hoạt động sang thị trường nước ngoài. Có rất nhiều nguyên nhân để DN thực hiện chiến lược này, tuy nhiên, cốt lõi vẫn là tìm một tương lai phát triển bền vững nhiều hơn là yếu tố giảm chi phí. Một số công ty đầu tư vào Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam hay Philippines để cắt giảm chi phí, nhưng đối với các ngân hàng ở Việt Nam, chi phí đã được quản lý khá tốt, nên mục đích mở rộng chủ yếu là để phát triển hoạt động, tăng doanh thu và sát cánh cùng DN mình tại nước ngoài.

Ông Trần Lê, Giám đốc điều hành Công ty Cao su Daklaoruco tại Pakse, một trong những khách hàng đầu tiên và lớn của VietinBank từ những ngày đầu thành lập tại Lào, cho biết, công ty của ông rất hài lòng khi làm việc với VietinBank và sẽ gắn kết lâu dài với Ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Lê, DN hay ngân hàng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư ra nước ngoài, bởi việc đầu tư vào thị trường nước ngoài sẽ rất tốn kém, có thể là một sai lầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh hiện tại của đơn vị.

“Ý tưởng có thể tốt, nhưng hãy tự hỏi tại sao mình cần có mở thêm chi nhánh ở đây. Việc làm này mang đến những giá trị gì cho khách hàng và lợi ích gì cho chính công ty? Đặc biệt, chúng ta đã có một chiến lược rõ ràng, cụ thể tại thị trường đó và đội ngũ nhân viên đủ tài năng hay phù hợp với công việc hay chưa?...”, ông Lê nói.

“Rất nhiều công ty đầu tư ra nước ngoài đã không thể cạnh tranh được tại nước sở tại, phải đóng cửa và về nước. Điều này không chỉ xảy ra với  riêng các DN của Việt Nam. Vì thế, bên cạnh một chiến lược thận trọng, DN cần phải quyết tâm đi đến cùng, để có thể xây dựng công ty hoạt động kinh doanh lâu dài trên thị trường nước ngoài, chứ không chỉ trong ngắn hạn 1 - 2 năm”, ông Tareq nói.