Cảnh giác với các ứng dụng không nguồn gốc cho vay lãi suất cao

Theo Chinhphu.vn

Dịch COVID-19 phức tạp, dẫn đến tình trạng tín dụng đen có chiều hướng diễn biến khó lường với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng ứng dụng công nghệ, dụ dỗ khách hàng cho vay trên các ứng dụng (app) trực tuyến qua điện thoại với lãi suất rất cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 2/12, NHNN và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn".

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, thực hiện Chỉ thị 12 ngày 24/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, ngành ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, các quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô, mở rộng mạng lưới nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng. 

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, ông Đào Minh Tú lưu ý: "Thời gian gần đây, tình trạng tín dụng đen có chiều hướng diễn biến khó lường với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng ứng dụng công nghệ, dụ dỗ khách hàng cho vay trên các app trực tuyến qua điện thoại với lãi suất cực cao".

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đã rất tích cực, nỗ lực trong việc cung ứng vốn vay, đẩy mạnh kênh cung ứng tín dụng chính thức.

Tính đến ngày 19/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020 và tăng 34,5% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg. Trong đó dư nợ cho vay trên địa bàn nông thôn đạt 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn. 

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng. Toàn hệ thống có 78 tổ chức tín dụng tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. 

Tuy nhiên, để đẩy lùi tín dụng đen, theo ông Đào Minh Tú, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, Bộ Công an. Đây là cơ sở để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay.

Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông để truyền tải thông tin về cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm, tín dụng ngân hàng tới người dân để người dân biết và hiểu được lợi ích của các kênh tiếp cận vốn chính thức, thấy được hậu quả của tín dụng đen. Theo bà Hồ Thị Như Hà, Giám đốc khối vận hành Công ty Tài chính FE Credit, để người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng an toàn, hiệu quả, bên cạnh các giải pháp đã triển khai tích cực trong thời gian qua, thì NHNN phối hợp cùng các bộ, ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp theo kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Chỉ thị 12, như chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp đặc biệt khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi, nền kinh tế trong nước phục hồi. Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng, hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội… len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thực chất thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật). Họ còn lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn, nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.

"Tuần vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá một nhóm đối tượng người gốc Hải Phòng, hoạt động ở TPHCM cho vay nặng lãi. Có một bị hại, người này vay của nhóm đối tượng trên 16,2 tỷ đồng và đã trả trên 20 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn còn nợ khoảng 11 tỷ đồng. Tính ra, lãi suất cho vay cao nhất lên tới 1.700%/năm", Thiếu tướng Trần Ngọc Hà dẫn chứng.

Đại diện cơ quan công an cho biết đã xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, do nguồn thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay tín dụng đen rất cao, cùng tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật của tội phạm và người dân trong các giao dịch dân sự của một số trường hợp còn hạn chế, nên đã tìm đến tín dụng đen vào mục đích bất hợp pháp.  Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa đủ sức mạnh, đủ sức răn đe để phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Một bộ phận người dân chưa tiếp cận được với các dịch vụ của các tín dụng hợp pháp...