Ngân hàng tăng mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Sau khởi đầu chậm chạp trong quý I, từ tháng 4 vừa qua, các ngân hàng đã tích cực phát hành trái phiếu với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điều gì đang thúc đẩy các nhà băng tăng cường vốn trung dài hạn?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4/2021, nhóm ngân hàng với những đại diện như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)…, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), với tổng giá trị phát hành đạt 15.189 tỷ đồng.

Ngân hàng soán ngôi bất động sản

Trong quý I/2021, tổng lượng TPDN phát hành đạt 37,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, các ngân hàng thương mại chỉ phát hành 1.240 tỷ đồng (chiếm 3,3%). Tuy nhiên, bước sang quý II/2021 các ngân hàng đã bắt đầu tăng mạnh phát hành TPDN.

Theo cập nhật của VBMA, từ đầu tháng 4 đến hết ngày 4/5, trên thị trường TPDN ghi nhận 36 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước, với tổng giá trị phát hành đạt trên 29.579 tỷ đồng. Đáng lưu ý, diễn biến thị trường TPDN cho thấy, trật tự huy động vốn có sự thay đổi, khi nhóm ngân hàng đã vươn lên đứng đầu, với tổng giá trị phát hành 15.189 tỷ đồng. Nhóm doanh nghiệp bất động sản tụt xuống vị trí thứ hai, với tổng giá trị phát hành đạt hơn 10.940 tỷ đồng.

Nếu như trong quý I/2021 chỉ có 2 ngân hàng là LienVietPostBank và VPBank tham gia phát hành trái phiếu, thì ngay đầu quý II gần chục ngân hàng tham gia thị trường. Chẳng hạn, tại VIB, từ cuối tháng 4 tới nay, ngân hàng đã có 3 đợt phát hành TPDN, huy động được 4.000 tỷ đồng. VPBank cũng có 3 đợt phát hành trong tháng 5, trong đó 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Vào cuối tháng 4 ngân hàng này cũng huy động đựơc 4.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Mới đây, VietinBank cũng thông báo phát hành thành công 2 lô trái phiếu. Trong đó, ngày 10/5, nhà băng này đã phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm. Cùng ngày nhà băng này cũng phát hành được 85 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm.

Tương tự, ACB cũng vừa thông báo kết quả đợt phát hành trái phiếu đầu tiên trong năm nay. Cụ thể, ngày 6/5 ngân hàng đã phát hành được 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Còn TPBank cũng đã có 3 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm kể từ đầu tháng 5 đến nay, với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng…

Theo dõi trên thị trường, trong khi hầu hết các doanh nghiệp như bất động sản, chứng khoán phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, với lãi suất khá cao lên đến 13%/năm. Kỳ hạn trái phiếu nhóm ngân hàng chủ yếu là 2-3 năm, với mức lãi suất chỉ từ 3-4,2%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn hiện tại là 5,8-6,5%/năm.

Bên mua trái phiếu của các ngân hàng chủ yếu là các công ty chứng khoán. Chẳng hạn, VNDirect đã mua 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm lãi suất 3%/năm của TPBank trong đợt phát hành hôm 5/5. Còn tại ACB, trong đợt phát hành vừa qua, 2 công ty chứng khoán không nêu tên đã mua trọn 2.000 tỷ đồng trái phiếu của nhà băng này. 

Thanh khoản bớt dồi dào?

Một số dự báo, sau khi khởi đầu chậm chạp trong ba tháng đầu năm, các ngân hàng ồ ạt huy động trái phiếu trở lại có thể liên quan tới việc huy động vốn qua kênh tiền gửi tăng trưởng khá chậm trong quý đầu năm. Ngoài ra, việc đẩy mạnh hút vốn qua kênh trái phiếu nhằm đảm bảo cân đối vốn cho các mục tiêu phát triển kinh doanh cũng như các quy định an toàn của Ngân hàng Nhà nước sắp sửa có hiệu lực.

Được biết, tính tới ngày 16/4, dư nợ tín dụng đã đạt mức tăng 3,34% so với đầu năm, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,41% vào cuối tháng 4/2020 và mức 1,47% vào trung tuần tháng 3. Mặt khác, huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng, khi tính tới ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt 0,54% trong khi tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,47%. 

Nguyên nhân có thể do lãi suất huy động từ cuối năm 2020 đến nay kém hấp dẫn so với các tài sản khác đang “nổi sóng” như vàng, ngoại tệ hay chứng khoán.

Hệ quả là vốn không còn chảy mạnh vào ngân hàng như trước đây, trong khi sản xuất, kinh doanh tăng mạnh trở lại, dẫn đến nhu cầu vay vốn đang phục hồi nhanh chóng.

Trong khi việc huy động tiền gửi gặp nhiều thách thức, lựa chọn phát hành trái phiếu có thể được triển khai để thu hút khách hàng khi xu hướng trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân rót tiền trong thời gian qua.

Mặt khác, với trái phiếu ngân hàng, các chuyên gia đánh giá, tính an toàn cao hơn so với trái phiếu bất động sản. Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng là một tổ chức tài chính có sự giám sát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, những năm gần đây các ngân hàng Việt ngày càng khẳng định được vị thế của mình, phát triển ngày càng bền vững, nên nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi mua trái phiếu ngân hàng.

“Tuy nhiên, đối với đầu tư trái phiếu ngân hàng thì lợi nhuận thu về không nhiều do lãi suất thấp. Đây chỉ là kênh đầu tư cho những ai chọn phương án an toàn, sợ rủi ro. Phù hợp với nhà đầu tư không chuyên nghiệp, cần nơi trú ẩn an toàn cho số tiền nhàn rỗi của mình”, ông Hiếu nói.