Xử lý triệt để, nghiêm minh hoạt động “tín dụng đen”

Việt Hoàng

Sáng ngày 10/8, trong phiên chất vấn thuộc lĩnh vực Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Công an tập trung xử lý triệt để, nghiêm minh hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về "tín dụng đen", Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định trong 3 năm qua, lực lượng công an phối với các lực lượng có liên quan xử lý, giải quyết trấn áp mạnh mẽ, kiềm chế và đẩy lùi được loại tội phạm này. Đến nay, không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như thời gian trước đây. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua Internet.

Mới đây, Bộ Công an đã triệt phá băng nhóm cho vay qua mạng (app) hoạt động với quy mô lớn tại  nhiều tỉnh, thành trong cả nước do các đối tượng, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn. Theo điều tra của cơ quan công an, có hàng trăm nghìn khách hàng vay với số tiền cho vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng...

Chỉ rõ nguyên nhân tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tình trạng này chủ yếu là do nhu cầu vay tín dụng đen trong nhân dân vẫn còn lớn, nhiều người khó khăn bị các đối tượng lợi dụng. Việc xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng gặp khó khăn do số đối tượng dùng các thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự, nếu không thận trọng, không thể hình sự hóa quan hệ dân sự, nếu không làm tốt sẽ bỏ lọt tội phạm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: "Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ hoạt động “tín dụng đen”.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: "Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ hoạt động “tín dụng đen”.

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, nhằm trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", sắp tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì thế tấn công, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động.

Đồng thời, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", đặc biệt là những băng nhóm, tổ chức tội phạm. Bởi phần lớn các tổ chức "tín dụng đen" đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để phòng, chống tội phạm; trước mắt là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng vay vốn, giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh; khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản... Đồng thời, nghiên cứu phối hợp với ngành Ngân hàng tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay.

Bộ Công an tiếp tục tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động...

Tham gia trả lời chất vấn làm rõ thêm câu hỏi của đại biểu về "tín dụng đen", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động Ngân hàng, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đồng bộ các quy định pháp lý về việc các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn, trong đó có những quy định về điều kiện vay vốn. Đặc biệt, khi vay vốn, khách hàng phải nêu rõ mục đích vay vốn và khả năng trả nợ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, trong thời gian qua, với hệ thống mạng lưới của các tổ chức tín dụng rất đa dạng, có chi nhánh, các phòng giao dịch, không chỉ các tổ chức tín dụng mà còn các công ty tổ chức tài chính vi mô... cũng đã có hiện diện ở hầu khắp toàn quốc. Nên, khi có nhu cầu vay vốn thì người dân nên tiếp cận vay vốn từ các kênh chính thức. 

Thay mặt Chính phủ, báo cáo thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, pháp lý để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó, đối với việc phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về tín dụng đen, cho vay nặng lãi, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai có hiệu quả các văn bản pháp lý của Đảng, Quốc hội và các văn bản pháp lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm.

Thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm, nhất là tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, dễ tiếp cận để nhân dân biết, phòng ngừa và tham gia tố giác tội phạm.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay kinh doanh tài chính; Chỉ đạo triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website để thực hiện các hành vi phạm tội...