Ngành công nghiệp Thủ đô nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép"

Theo Diệu Anh/baochinhphu.vn

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã chủ động duy trì sản xuất công nghiệp an toàn, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Các doanh nghiệp sẵn sàng duy trì sản xuất theo từng cấp độ dịch bệnh. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Các doanh nghiệp sẵn sàng duy trì sản xuất theo từng cấp độ dịch bệnh. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Các cấp, ngành, địa phương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Cộng đồng doanh nghiệp cũng nỗ lực sáng tạo, triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người lao động, sẵn sàng duy trì sản xuất, kinh doanh theo từng cấp độ dịch bệnh.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, ngành công nghiệp Thủ đô trong 8 tháng đầu năm 2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu. Cùng với đó, Thành phố đã quan tâm, chỉ đạo và điều hành quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đã tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp tăng khá.

Cụ thể, 8 tháng năm 2021, chỉ số IIP một số ngành công nghiệp đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nổi bật như sản xuất xe có động cơ tăng 21,6%, sản xuất trang phục tăng 18,2%, sản xuất đồ uống tăng 16,1%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%... Tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý (trừ dầu) tăng 9,7% so với cùng kỳ, trong đó thu từ khu vực sản xuất-kinh doanh tăng 28,9% so với cùng kỳ.

“Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng GRDP của Hà Nội”, ông Đậu Ngọc Hùng nói.

Trên thực tế, để có được kết quả tăng trưởng ấn tượng trong sản xuất công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đã phải nỗ lực rất lớn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều cố gắng duy trì sản xuất, áp dụng phương án “3 tại chỗ”, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ giãn cách…

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP Thân Đức Việt, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, công ty có quy mô lao động lớn, chỉ một ca nhiễm COVID-19 là toàn bộ dây chuyền, thậm chí cả nhà máy phải đóng cửa. Do đó, các biện pháp phòng dịch được đơn vị triển khai bài bản, chặt chẽ.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm, sâu sát, động viên kịp thời của Thành phố. Cụ thể, ngay khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, Thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, Sở đã cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp giải pháp khai báo trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19, giúp quản lý chặt chẽ công nhân, người lao động, cập nhật thông tin liên quan đến kiểm soát, phòng, chống dịch nhanh chóng, chính xác. Sở cũng đã ban hành hướng dẫn xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các cụm, khu công nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất an toàn.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố được cụ thể hóa qua việc hoãn và giãn đóng thuế, điều chỉnh lãi suất cho vay; tạo thuận lợi cho việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu... Tuy nhiên, để ổn định sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch, nhiều doanh nghiệp mong muốn được Thành phố hỗ trợ để sớm tiếp cận nguồn vaccine tiêm phòng cho người lao động; đồng thời, có thêm giải pháp bảo đảm nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất…

Song song với chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thành phố cũng có chính sách khuyến khích phát triển dự án sử dụng nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, giàu sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.

Những tháng cuối năm 2021, dự báo kinh tế Thủ đô nói chung và ngành công nghiệp nói riêng còn rất khó khăn, thách thức. Do đó, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động nguồn lực, kích thích sản xuất kinh doanh; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục đầu tư, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn...