Ngành Hải quan hiện đại hóa để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước

Theo Khánh Hòa/baoxaydung.com.vn

Thời gian qua, với nhiều quyết tâm và nỗ lực, ngành Hải quan đã được Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong những cơ quan đi đầu trong cải cách hiện đại hóa. Các hoạt động quản lý của Hải quan Việt Nam đã được định hướng theo các chuẩn mực hải quan hiện đại ở phạm vi khu vực và thế giới nhằm tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo vệ cộng đồng.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái thông tin về một số kết quả cải cách hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam tại buổi gặp mặt báo chí ngày 17/6.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái thông tin về một số kết quả cải cách hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam tại buổi gặp mặt báo chí ngày 17/6.

Hiện đại hóa hệ thống thông quan

Từ năm 2009, ngành Hải quan đã thực hiện thu thuế, phí, lệ phí bằng phương thức điện tử với cách thức được hoàn thiện dần theo thời gian. Năm 2014, Tổng cục Hải quan triển khai công tác phối hợp thu với 11 Ngân hàng thương mại. Tiếp đó, đã triển khai Đề án Nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, là hình thức nộp tiền thuế và các khoản phải nộp khác qua ngân hàng thương mại phối hợp thu với Tổng cục Hải quan thông qua Cổng thanh toán điện tử Hải quan.

Năm 2019, Tổng cục Hải quan tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu được Tổng cục Hải quan nâng cấp mở rộng trên nền tảng Hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, có đủ năng lực tài chính. Hiện đã có 43 ngân hàng phối hợp thu với Tổng cục Hải quan, 29 ngân hàng triển khai kết nối 24/7, 6 ngân hàng triển khai chương trình doanh nghiệp nhờ thu.

Không chỉ phục vụ cho cơ quan Hải quan và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hệ thống thu thuế điện tử còn phục vụ cho các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Cụ thể: Từ ngày 6/1/2020, UBND thành phố Hải Phòng đã thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng qua Cổng thanh toán điện tử Hải quan 24/7. Hiện có 04 ngân hàng phối hợp thu hộ phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển cho Hải Phòng. Trong tương lai, hệ thống này sẽ phục vụ thanh toán bằng phương thức điện tử không chỉ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước (B2G) mà còn cả thanh toán điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan với sự giúp đỡ của Nhật Bản đã đưa vào vận hành hệ thống thông quan tự động tiên tiến hàng đầu thế giới (VNACCS/VCIS) đồng bộ với sửa đổi Luật Hải quan năm 2014 để áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS ở mức độ rất cao tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc với hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trong thời gian chỉ từ 1 - 3 giây.

Cải cách thủ tục hành chính là bước đột phá của ngành Hải quan.
Cải cách thủ tục hành chính là bước đột phá của ngành Hải quan.
 

Đảm bảo liêm chính Hải quan

Đối với Hải quan Việt Nam, vấn đề nâng cao liêm chính và chống tham nhũng luôn được Tổng cục Hải quan quan tâm và triển khai áp dụng nhiều biện pháp. Từ năm 2011, Tổng cục Hải quan đã có Quyết định số 225/QĐ-TCHQ ngày 09/02/2011 về việc ban hành “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng”. Việc ban hành “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng” là thể hiện cam kết của ngành Hải quan trước cộng đồng xã hội về việc đảm bảo tạo thuận lợi, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về Hải quan đối với các hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế.

Tiếp đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã ký Quyết định 489/QĐ-TCHQ phê duyệt, ban hành Đề án liêm chính hải quan giai đoạn 2019-2020 nhằm nâng cao hiệu quả liêm chính hải quan, đặc biệt đề ra và áp dụng thành công các giải pháp đảm bảo tính hiệu lực, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính trong sạch và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức hải quan cũng như toàn hệ thống hải quan.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành quy chế công vụ, quy định cụ thể về hình thức xử lý hơn 400 hành vi sai phạm; là một trong số ít các cơ quan quản lý Nhà nước thực thi đánh giá năng lực và luân chuyển cán bộ định kỳ.

Bên cạnh việc đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương đối với các cán bộ công chức, Tổng cục Hải quan cũng có nhiều hình thức để gặp gỡ, trao đổi, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp như gặp mặt định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp (02 lần/năm), với hiệp hội doanh nghiệp Hoa kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc... Mọi vướng mắc của doanh nghiệp, người dân được tiếp nhập, xử lý kịp thời qua đường dây nóng 24/7, bộ phận một cửa liên thông, Website chính thức của Hải quan Việt Nam… và nhiều hình thức đối thoại trực tiếp khác.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng cục Hải quan đã tập trung rà soát, sắp xếp tố chức bộ máy bên trong Tổng cục Hải quan theo hướng tinh gọn. Theo đó, đã cắt giảm được 13 phòng thuộc các Vụ, 37 phòng và tương đương, 14 Chi cục Hải quan thuộc các Cục Hải quan, 239 Đội thuộc Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan vừa đảm bảo yêu cầu tinh gọn, giảm đầu mối vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và yêu cầu thay đổi về phương thức quản lý tập trung, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa Hải quan.

Trong thời gian tới, nhất là sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động nhiều đến cách thức sản xuất, luân chuyển hàng hóa... Trong bối cảnh trên, Hải quan Việt Nam sẽ phải tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư... đồng thời làm tốt nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại. Để thực hiện, Hải quan Việt Nam đặt ra các mục tiêu: Hệ thống pháp luật hải quan đồng bộ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa, phù hợp các chuẩn mực quốc tế, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Xây dựng bộ máy hải quan phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ mới được cơ cấu gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian, thiết kế phù hợp với yêu cầu hiện đại và phát triển.

Ứng dụng rộng rãi công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Kết nối Internet vạn vật (IoT), Chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI)… theo đó hoàn thành xây dựng cơ quan Hải quan điện tử thống nhất với kiến trúc Chính phủ điện tử.

Nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành. Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia kết nối đầy đủ các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Triển khai cơ chế một cửa ASEAN và một số đối tác thương mại ngoài ASEAN để tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới. Thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Có thể nói, cùng với cả nước đón nhận những cơ hội và thách thức mới, trong thời gian tới nhiệm vụ đặt ra cho ngành Hải quan là rất nặng nề. Tuy còn những hạn chế trong công tác quản lý, vẫn còn những cán bộ chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ thậm chí vi phạm pháp luật... nhưng với truyền thống vẻ vang 75 năm, với chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, sự phối hợp của các Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, đồng hành của các cơ quan thông tấn báo sự ủng hộ, giám sát của nhân dân... Tổng cục Hải quan tin tưởng sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.