Ngành Hải quan: Quyết liệt thu ngân sách ở mức cao nhất
(Tài chính) Mặc dù đã đề ra hàng loạt các biện pháp để thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) ngay từ những ngày đầu năm, nhưng tính đến 30/6/2013, số thu NSNN của ngành Hải quan mới đạt 94.300 tỷ đồng, chỉ bằng 39,7% dự toán… là số thu thấp nhất từ trước tới nay so với dự toán đề ra. Điều này có thể thấy, để đạt được kết quả cao nhất trong nhiệm vụ thu NSNN thì ngành Hải quan phải chủ động hơn nữa với những giải pháp đã đề ra.
Tình hình khó lường
Năm 2013, ngành Hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN là 237.500 tỷ đồng, như vậy bình quân mỗi tháng năm 2013 ngành Hải quan phải thu được 19.792 tỷ đồng, tăng so với thực hiện năm 2012 là 20% (Dự toán năm 2013 được xây dựng trên cơ sở ước thu NSNN năm 2012 là 216 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 dự kiến ở mức 5,5%, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt 258,5 tỷ USD , CPI là 7 đến 8%).
Tổng thu 6 tháng đầu năm ước đạt 94.300 tỷ đồng bằng 39,7% dự toán, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2012 (96.087/90.994 tỷ đồng). Bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi tháng thu 16.014 tỷ.
Theo phân tích của Cục thuế XNK (Tổng cục Hải quan), để hoàn thành số thu ngân sách theo chỉ tiêu được giao năm 2013, mỗi tháng phải thu được 19.792 tỷ đồng. Vậy với số thu bình quân 6 tháng đầu năm thì thu NSNN đã hụt 3.777 tỷ đồng so với dự toán.
Cụ thể, tổng kim ngạch XNK 6 tháng đầu năm ước đạt 125,5 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 62,1 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2012; kim ngạch nhập khẩu (NK) ước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2012. Nhập siêu 6 tháng đầu năm ước đạt 1,4 tỷ USD.
Mặc dù kim ngạch XNK tăng như trên, song kim ngạch XK các mặt hàng có thuế ước đạt 4.951 triệu USD, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2012. Và kim ngạch NK có thuế ước đạt 31.313,6 triệu USD, chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2012.
Phân tích tình hình cụ thể của từng tháng cho thấy, kết quả thu NSNN 3 tháng đầu năm 2013 của ngành Hải quan đạt thấp nhất trong nhiều năm qua, tất cả các yếu tố có tính chất quyết định đến công tác thu NSNN của ngành Hải quan, kim ngạch NK các mặt hàng có thuế suất cao giảm mạnh, đặc biệt ô tô và xe máy. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng giảm thu trong quý I là thuế suất một số mặt hàng trọng điểm đều giảm như: than giảm từ 20% xuống 10%, ô tô dưới 9 chỗ giảm từ 78% xuống 74%, sản phẩm sắt thép từ 15% xuống 10%, cao su từ 25% xuống 20%, giấy bìa từ 10% xuống 5%, tấm mạch in từ 5% xuống 2%…
Đến tháng 4 và tháng 5, số thu tăng mạnh hơn so với 3 tháng đầu năm, lý giải nguyên nhân này, theo Cục Thuế XNK là bởi từ ngày 1-7-2013 Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, theo đó nếu không có bảo lãnh ngân hàng thì doanh nghiệp phải nộp đủ thuế trước khi nhận hàng, do đó doanh nghiệp tranh thủ NK hàng hóa để được hưởng thời gian ân hạn.
Tuy nhiên, đến tháng 6 số thu NSNN lại giảm so với tháng 5 là do kim ngạch XNK tháng 6 giảm 3,8% so với tháng 5 (kim ngạch XK giảm 2,4 %, kim ngạch NK giảm 5,1%). Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch lớn, thuế suất cao đều giảm như: hóa chất giảm 9%, phân bón các loại giảm 23,3%, giấy các loại giảm 11%, sắt thép giảm 13%, ô tô nguyên chiếc giảm 12,3%, linh kiện phụ tùng xe máy giảm 10,4%, phương tiện vận tải phụ tùng giảm 26%...
Kiên trì với các giải pháp
Lường trước những khó khăn và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, để đảm bảo chỉ tiêu thu cả năm 2013, toàn ngành Hải quan đã chủ động và vẫn kiên trì với những giải pháp thu NSNN đã đề ra từ những ngày đầu năm. Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, xử lý nợ thuế, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, tăng cường công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý rủi ro, tăng cường xây dựng đội ngũ CBCC, tiếp tục duy trì kỷ cương kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ, theo dõi và quản lý sát tình hình thu nộp NSNN...
Đặc biệt, Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 đã sửa đổi một số điều cơ bản như quy định về xác định trước mã số và trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ đối với hàng hóa XNK, thời điểm nộp thuế đối với hàng hóa XNK, thứ tự thanh toán tiền thuế…. Theo hướng đảm bảo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhưng cũng quản lý được nguồn thu NSNN cũng được coi như một biện pháp hỗ trợ cho cơ quan Hải quan thực hiện nhiệm vụ thu NSNN.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan xác định, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra giám sát hải quan như: Luật Hải quan, Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định thay thế Nghị định số 97/2007/NĐ-CP và Nghị định số 18/2009/NĐ-CP; Thông tư thay thế Thông tư số 193/2009/TT-BTC, Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg; Thông tư thay thế Thông tư 194/2010/TT-BTC …
Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác giám sát quản lý về hải quan: Đổi mới phương thức quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất XK; Xây dựng quy trình hướng dẫn nghiệp vụ giám sát hải quan bằng seal định vị (GPS) đối với một số loại hình hàng hóa XNK; Triển khai tiếp nhận, khai thác thông tin trước về chuyến bay, hàng hóa, hành khách XNC đường hàng không...
Ngành Hải quan xác định tiếp tục đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc nắm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách. Cơ quan Hải quan cần giải quyết nhanh, chủ động gặp gỡ và giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền với từng doanh nghiệp... Kịp thời báo cáo những vướng mắc liên quan đến chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng thu cho NSNN và hạn chế nợ xấu…
Với hàng loại các giải pháp này, có thể thấy ngành Hải quan đã và đang chủ động trước những khó khăn trong công tác thu nộp NSNN.