Ngành kinh tế hiện đại

Theo Trần Nguyên/Báo Cà Mau

“Phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hoá lớn gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo”, là quyết tâm hành động thực hiện Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Cà Mau.

Tàu khai thác hải sản trên vùng lộng ngư trường Cà Mau. Ảnh: Trần Nguyên
Tàu khai thác hải sản trên vùng lộng ngư trường Cà Mau. Ảnh: Trần Nguyên

Kinh tế thuỷ sản tại Cà Mau luôn dẫn đầu cả nước, nguồn lợi đến từ khai thác, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, hàng năm mang về ngoại tệ trên 1 tỷ USD; thu nhập người dân từ khai thác và nuôi trồng, doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực này không ngừng tăng lên.

Tiềm năng khai thác và nuôi trồng

Từ vị trí địa lý chiến lược, vùng biển Cà Mau ôm trọn từ Ðông sang Tây với ngư trường rộng lớn, trên 71.000 km2, trở thành trọng điểm của quốc gia, không những thuận lợi cho khai thác hải sản, mà còn là con đường giao lưu, hợp tác kinh tế bằng đường biển, khai thác dầu khí và tài nguyên khác trong lòng biển…

Cũng từ điều kiện tự nhiên ấy đã hình thành nên nhiều cửa biển thuộc hàng… “anh lớn”, có tiếng: Cái Ðôi Vàm, Khánh Hội, Rạch Gốc, nổi bật nhất vẫn là “thành phố biển miền Tây” Sông Ðốc, với hàng ngàn phương tiện trong và ngoài tỉnh chuyên hành nghề khai thác hải sản xa bờ, có công suất lớn, kể cả vươn đến vùng biển Trường Sa để đánh bắt cá ngừ.

Cùng với đó, các cửa biển nhỏ và vừa như Gành Hào, Hố Gùi (huyện Ðầm Dơi); Vàm Xoáy (huyện Ngọc Hiển); Gò Công, Mỹ Bình (huyện Phú Tân); Ba Tĩnh, Sào Lưới, T29, Ðá Bạc, Hương Mai (huyện U Minh)… góp phần không nhỏ vào tỷ trọng khai thác hải sản hàng năm, cũng như tạo sức bật cho kinh tế biển phát triển thêm năng động.

Ðến nay, hạ tầng sau khai thác như bến cảng, nhà máy, cùng với đó là hệ thống giao thông kết nối đến tất cả các cửa biển, bến cảng…, tạo thuận lợi rất lớn nhằm nâng cao hơn giá trị cạnh tranh, giá trị gia tăng sản phẩm sau khai thác, sản phẩm tươi ngon đến tay người tiêu dùng, cũng như kịp thời vào nhà máy, nâng tầm mặt hàng xuất khẩu.

Cùng với khai thác và nuôi trồng trên biển hay ven bờ, ở những nơi phù hợp thì nuôi thuỷ sản, cụ thể là con tôm với nhiều hình thức, trở thành thế mạnh rất lớn của địa phương. Nghề nuôi tôm ở Cà Mau luôn đi đầu cả nước và đang tiếp tục lớn mạnh khi hình thức nuôi tập trung, quy mô đang tăng nhanh, cùng với đó là thương hiệu tôm sạch (lúa - tôm), đặc biệt là tôm sinh thái (tôm - rừng) đã tạo nên thương hiệu độc đáo, riêng biệt cho con tôm rừng ngập, không đối thủ cạnh tranh trên thương trường quốc tế, tại những thị trường khó tính nhất.

Ưu tiên tổ chức lại sản xuất

Theo chiến lược phát triển thuỷ sản của quốc gia, Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 3,0-4,0%/năm; tổng sản lượng thuỷ sản đến năm 2030 đạt 0,8 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,65 tỷ USD.

Trong hàng loạt giải pháp nhằm khắc phục những mặt tồn tại, khó khăn đang gặp phải trong phát triển kinh tế thuỷ sản, Cà Mau luôn ưu tiên cho việc tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản phù hợp, kể cả trong nuôi trồng, không đại trà, mà tập trung vào năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững, tạo ra giá trị hàng hoá gia tăng, cạnh tranh…

Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, phục hồi nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính huỷ diệt, vi phạm vùng biển… Khó khăn nhất vẫn là bài toán chuyển đổi ngành nghề của bà con ngư dân khai thác ven bờ, phương tiện nhỏ một cách hiệu quả, tạo sinh kế bền vững, dù mục tiêu phát triển hậu cần đang được tập trung, cần lượng lớn lao động dịch chuyển.

“Thuỷ sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến; giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực; góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội; xây dựng làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thuỷ sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo”, chiến lược phát triển thuỷ sản của tỉnh Cà Mau đến năm 2045 nêu rõ. 

Trước mắt, giai đoạn 2021-2030, Cà Mau xây dựng và triển khai 3 chương trình, 9 đề án ưu tiên để phát triển ngành thuỷ sản mang tính bao trùm, từ khai thác gắn với bảo vệ và khôi phục nguồn lợi đến nuôi trồng, chế biến, hoàn thiện hạ tầng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…

Cà Mau quyết tâm giữ vị trí đứng đầu cả nước trên lĩnh vực khai thác và nuôi tôm, công nghiệp chế biến và xuất khẩu, mang lại lợi ích hài hoà, bền vững, tạo sinh kế cho người dân, trở thành trụ cột phát triển kinh tế năng động của tỉnh, cũng như vùng ÐBSCL.

Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt nêu rõ: Ðối với vùng ÐBSCL, cần chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản phù hợp; giảm số lượng tàu cá, đặc biệt là tàu lưới kéo, tập trung cho khai thác vùng khơi; mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên các vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Chính phủ yêu cầu xây dựng thuỷ sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hoá lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Chính phủ quyết tâm đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước đạt 14-16 tỷ USD.