Ngành Logistics: “Khát” nhân lực

Theo Bảo Ngọc/baocongthuong.com.vn

Nhu cầu nhân lực logistics - ngành dịch vụ đang phát triển mạnh - được đào tạo bài bản, chất lượng ở nước ta rất lớn. Thực tế, khả năng đào tạo đang thấp hơn nhu cầu, chưa kể nhân lực sau đào tạo cũng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp (DN).

Nhu cầu về nhân lực của ngành logistics rất lớn. Nguồn: Internet
Nhu cầu về nhân lực của ngành logistics rất lớn. Nguồn: Internet

Chưa đáp ứng yêu cầu

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật - cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, yếu tố quan trọng hàng đầu là phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đây lại là khó khăn lớn nhất khi nguồn nhân lực của ngành logistics rất yếu về kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành. "Hầu hết DN phải đào tạo lại nhân lực khi tuyển dụng về đơn vị mình" - bà Dương nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), giai đoạn 2017 - 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ tiếng Anh. Đến năm 2025, con số sẽ là 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nước ta hiện nay có 3 hình thức đào tạo logistics: Tại các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học và nghề, hiệp hội và DN. Có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics.

Tuy nhiên, bất cập của việc đào tạo là chưa đáp ứng được yêu cầu và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu kiến thức toàn diện, trình độ ICT còn hạn chế. Nhân lực cũng chưa theo kịp tiến bộ phát triển của logistics thế giới. Ngoài ra, trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ, 30% DN phải đào tạo lại nhân viên.

Nâng cao chất lượng

Để nhân lực ngành logistics có đủ cả kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, việc tăng cường hợp tác giữa VLA, DN và các trường đào tạo là yêu cầu cấp thiết. Trong khuôn khổ Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, giữa tháng 8/2018, tại TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, VLA, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN logistics. Đây là mô hình thí điểm xây dựng cơ chế đào tạo giữa nhà trường và DN trong lĩnh vực logistics. Khi tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, sự phối hợp giữa DN và nhà trường sẽ giúp DN tiết kiệm được chi phí và đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho DN trong ngành logistics của Việt Nam.

Đặc biệt, từ tháng 8 - 11/2018, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Mạng lưới đào tạo logistics Việt Nam sẽ tổ chức cuộc thi "Tài năng trẻ logistics Việt Nam 2018 - Viet Nam Young Logistics Talents 2018". Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho hay, cuộc thi nhằm mục đích nâng cao nhận thức xã hội về logistics, tạo sân chơi thiết thực dành cho sinh viên khối ngành logistics và các ngành liên quan, nâng cao chất lượng nhân lực. Bên cạnh đó, tuyển chọn và ươm mầm cho các sinh viên tiềm năng; Góp phần thúc đẩy, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển ngành logistics...

Theo Báo cáo điều tra về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 mới được Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với mức 64 năm 2016, đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Ngành dịch vụ logistics đang phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng từ 15-16%/năm, nhu cầu nhân lực rất lớn.