Ngành ngân hàng trong năm 2014: Khó khăn trọng tâm là xử lý nợ xấu
(Tài chính) Cuộc họp hội đồng cổ đông của ngành Ngân hàng đang bước vào mùa cao điểm. Qua đại hội của một số ngân hàng gần đây có thể thấy một điểm nổi bật là chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế (LNTT) trong năm 2014 được đặt ra ở mức khá thận trọng.

2013: Không lường hết khó khăn
Thống kê tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần thuộc tốp đầu hệ thống cho thấy trong năm 2013, rất ít ngân hàng vượt chỉ tiêu lợi nhuận, phần lớn là hoàn thành kế hoạch ở mức thấp.
Ba trường hợp tiêu biểu có LNTT vượt chỉ tiêu đặt ra là STB (tăng 5,71%), VCB (tăng nhẹ 0,4%, nhờ việc giải ngân các khoản vay lớn vào “phút chót” cho Viettel, Vietnam Airlines và TKV) hay CTG (tăng 3,36% nhưng là so với chỉ tiêu đã được điều chỉnh giảm 1.100 tỉ đồng ngay trước khi kết thúc quí 4).
Các ngân hàng có LNTT giảm so với chỉ tiêu đề ra là SHB (giảm 12,5%), MBB (giảm 14,4%), ACB (giảm 42,5%) và cá biệt là trường hợp của EIB (giảm tới 74%). Môi trường kinh doanh khó khăn do tăng trưởng tín dụng thấp, áp lực nợ xấu gia tăng, sức ép phải trích lập dự phòng đầy đủ đã khiến lợi nhuận của các ngân hàng “co lại” đáng kể. Có lẽ vào thời điểm đầu năm 2013, khi lập kế hoạch kinh doanh, các ngân hàng không lường hết những khó khăn sẽ xảy ra hoặc mục tiêu lợi nhuận được coi là công cụ để đánh bóng thương hiệu.
2014: Dè dặt đặt chỉ tiêu lợi nhuận
Hai đơn vị lớn trong ngành là VCB và CTG đặt chỉ tiêu LNTT năm 2014 giảm nhẹ so với năm 2013 (VCB giảm khoảng 4%, CTG giảm 6%). Nhóm NHTM cổ phần có phần lạc quan hơn khi đặt chỉ tiêu tăng so với năm trước nhưng mức tăng không quá lớn (STB đặt mục tiêu tăng 1,35%, MBB tăng 2,85%). Một vài ngân hàng mạnh dạn đặt chỉ tiêu cao như ACB (tăng 14,8%), SHB (tăng 26,7%) và EIB (tăng 117%) đều là những ngân hàng có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch ở mức thấp trong năm 2013, do vậy cho dù lợi nhuận có tăng mạnh trong năm nay cũng chưa thể về mặt bằng của các năm trước.
Có nhiều lý do để các ông chủ ngân hàng dè dặt trong việc đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014. Có thể vì họ nhận định đầy đủ hơn về những khó khăn, thách thức vẫn tiếp diễn trong năm nay của ngành ngân hàng khi kinh tế phục hồi chậm, tín dụng ba tháng đầu năm hầu như không tăng trưởng.
Kế đến có thể vì họ muốn hướng tới hoạt động bền vững, ít rủi ro hơn cho ngân hàng mình. Bởi lẽ đặt kế hoạch cao nhưng không thực hiện được sẽ gây sức ép với ban điều hành và đội ngũ nhân viên. Áp lực quá lớn có thể sẽ dẫn đến động cơ tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, bằng cách hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay. Khi đó, rủi ro nợ xấu lại tăng cao, các ngân hàng sẽ ở vào thế “lợi bất cập hại”.
Một lý do quan trọng khác là áp lực phải tiếp tục trích lập hoặc trích lập bổ sung đối với các khoản nợ xấu. Khoảng 40.000 tỉ đồng nợ xấu các ngân hàng đã bán cho VAMC vào cuối năm 2013 nếu chưa được xử lý sẽ bắt đầu phải trích lập 20% cho năm nay (ACB đã bán khoảng 400 tỉ đồng, STB bán 800 tỉ, EIB bán 924 tỉ).
Ngoài ra, theo Thông tư 09/2014/TT-NHNN, từ ngày 1/6 năm nay, các ngân hàng cũng phải thành lập hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ bao gồm các quy trình đánh giá khách hàng trên cơ sở cả định lượng lẫn định tính. Chất lượng các khoản nợ sẽ được xếp vào các nhóm tương ứng không chỉ dựa trên số ngày quá hạn thanh toán tiền gốc, tiền lãi mà còn căn cứ vào triển vọng kinh doanh, kế hoạch dòng tiền trong tương lai.
Một quy định khác cũng đáng chú ý của Thông tư 09 là đối với các khoản vay trên 200 tỉ đồng, các ngân hàng phải thuê tổ chức định giá độc lập mỗi năm một lần đánh giá lại giá trị tài sản đảm bảo theo nguyên tắc thị trường (không phải giữ nguyên theo giá trị sổ sách như trước đây). Quy định này có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận ngân hàng khi chi phí trích lập dự phòng tăng lên do tài sản đảm bảo tính theo giá thị trường đa phần đã giảm mạnh so với giá được định lúc cho vay (đặc biệt đối với tài sản đảm bảo là bất động sản).