Ngành Tài chính sát sao quản lý, bình ổn giá cuối năm
Bộ Tài chính vừa có Chỉ thị yêu cầu các cơ quan trong ngành Tài chính, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ -2013.
Nhiều địa phương cũng chú trọng đến vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống người dân này.
Ngành Tài chính sát sao
Bộ Tài chính yêu cầu Giám đốc các Sở Tài chính chủ trì theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung-cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn để chủ động tham mưu trình UBND tỉnh có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường.
Đối với các địa phương có triển khai Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bán hàng hóa với giá cả và chất lượng theo đúng cam kết của Chương trình; có biện pháp nhằm tăng cường đưa hàng bình ổn giá đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư; kết hợp với tổ chức bán hàng lưu động, các hình thức khuyến mãi để kích thích tiêu dùng, tăng sức mua...
Đồng thời, các đơn vị Sở Tài chính, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 127, Hải quan, Thanh tra... tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, phí trông giữ xe đạp, ôtô, xe máy và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ động, thực vật, thức ăn chăn nuôi....
Thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu bia, đường; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu.
Bộ Tài chính lưu ý việc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét cho ý kiến trước khi thực hiện.
Nhiều địa phương có kế hoạch cụ thể
Do quy luật thị trường cuối năm và chuẩn bị Tết nguyên đán, giá cả thường tăng cao, do cầu tăng cao nên năm nay nhiều địa phương đã có kế hoạch từ sớm để ổn định thị trường.
Ở Hà Nội, dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết tăng 18-20% so với các tháng trong năm. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ có thể tăng trên 20%, (ước khoảng 35.000 tỷ đồng). Sở Công Thương Hà Nội cho hay, với nhóm hàng lương thực, trước, trong và sau Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô đạt khoảng 65.000 tấn/tháng.
Nguồn cung cấp chủ yếu cho khu vực nội thành Hà Nội là từ các đại lý, mạng lưới của Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc và các đơn vị thành viên... và các hộ kinh doanh tại các chợ. Với mặt hàng thịt lợn, dự kiến tiêu dùng 12.000 tấn/tháng Tết, nguồn thịt lợn sản xuất trên địa bàn thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu của Hà Nội. Nếu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gây thiếu hàng cục bộ, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ khai thác thêm ở các tỉnh lân cận và các tỉnh phía Nam.
Trong dịp Tết, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong khi khả năng tự đáp ứng của thành phố có hạn nên một số mặt hàng thiết yếu đã được lên kế hoạch nhập khẩu. Ví dụ, thịt gia cầm cần khai thác 38% từ các tỉnh khác; thủy hải sản phải nhập hơn 80%; thực phẩm chế biến nhập từ 70-85%; rau củ quả nhập 45% nhu cầu…
Sở Công thương Tp. Đà Nẵng cho hay, UBND Tp. Đà Nẵng dành 3,5 tỷ đồng để bình ổn giá thịt heo dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ (2013) với khoảng 35 tấn phục vụ tại 13 điểm bán cố định và 2 xe lưu động, trước và sau Tết. Thịt heo bình ổn có giá rẻ hơn thịt heo trên thị trường 10-15%.
Theo lãnh đạo siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng, từ đầu tháng 6 đơn vị chủ động liên kết với khoảng 700 nhà cung cấp, nhằm hỗ trợ các chương trình khuyến mãi, bình ổn giá vào mùa cao điểm, dịp Tết.
Hệ thống các siêu thị khác như Big C, Metro, Intimex… hoàn tất công tác chuẩn bị hàng Tết với lượng hàng hóa dự kiến tăng khoảng 20% lượng hàng chuẩn bị trước Tết năm 2012 ở tất cả các ngành hàng.
Ở Quảng Ninh, năm nay tỉnh dự kiến dành 30 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá, tập trung chủ yếu cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như: Gạo các loại; miến và nguyên liệu làm miến; thịt lợn, thịt gia cầm; trứng gia cầm; đường RE, sữa; rau, củ, quả; dầu ăn.