Ngành Tài chính Việt Nam từ buổi đầu thành lập đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (28/8/1945 - 2/1951)

Việt Hùng

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời bao gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tài chính. Ngay từ ngày đầu thành lập, ngành Tài chính đã phải gánh vác sứ mệnh vô cùng to lớn, trong điều kiện kinh tế kiệt quệ, ngân khố trống rỗng; chính quyền công nông non trẻ phải đương đầu với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.

Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt tháng 8/1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng hàng trên, thứ hai, từ trái sang.
Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt tháng 8/1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng hàng trên, thứ hai, từ trái sang.

Bước đầu xây dựng  nền tài chính Cách mạng

Chính sách tài chính “lấy dân làm gốc” với sự ra đời “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng” đã được đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng. Số tiền quyên được vào Quỹ Độc lập được khoảng 20 triệu đồng và số vàng thu được trong “Tuần lễ Vàng” khoảng 370 kg, tương đương với tổng số thuế thân và thuế điền thổ cả nước thu được trong một năm dưới chế độ cũ, phần nào đã giải quyết những khó khăn bước đầu cho ngân khố quốc gia. Cùng với đó, hàng loạt chế độ thuế khóa bất công với dân ta được điều chỉnh, bãi bỏ, tiêu biểu là thuế thân.

Ngày 23/9/1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ bắt đầu. Nhu cầu chi tiêu của Nhà nước tăng mạnh, đặc biệt là chi tiêu về an ninh, quốc phòng. Để có thể vươn lên thế chủ động về mặt tài chính, Đảng và Chính phủ quyết định phải chuẩn bị mọi điều kiện để in và phát hành giấy bạc Việt Nam. Giấy bạc Việt Nam phát hành đầu tiên từ ngày 3/2/1946 tại các tỉnh Nam Trung bộ với sự hoan nghênh, ủng hộ của nhân dân.

Ngày 23/11/1946, Quốc hội đã thông qua quyết định chính thức phát hành tờ giấy bạc Việt Nam sử dụng chung trên phạm vi cả nước. Giấy bạc do Bộ Tài chính phát hành nên còn được gọi là giấy bạc Tài chính hay Đồng bạc Cụ Hồ, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tiền tệ.

Cuối năm 1946, Hồ Chủ tịch đã giao cho Bộ Tài chính nhiệm vụ mua muối và bí mật chuyên chở, cất giấu tại các kho dự trữ ở các tỉnh miền núi, tích trữ lương thảo, vận chuyển vật tư chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp xâm lược.

Tài chính Việt Nam trong nửa đầu  cuộc kháng chiến chống Pháp

Trước dã tâm xâm lược, đặt ách đô hộ lên đất nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trên Đài tiếng nói Việt Nam. Cùng cả đất nước và dân tộc

Các năm 1947-1948 khi còn ở thế phòng ngự, cầm cự, chúng ta chủ trương bỏ những thứ thuế ở thành thị, đơn giản hoá biểu thuế xuất nhập khẩu theo hướng đấu tranh kinh tế với địch, thu hút hàng cần thiết cho sản xuất, đời sống ở vùng tạm chiếm và vùng tự do với ít chủng loại để dễ nhớ, dễ thu. Ngoài ra, chủ trương mở rộng các hình thức đóng góp tự nguyện như: “Hũ gạo nuôi quân”, “Quỹ mùa đông binh sỹ”, “Bán thóc khao quân”, “Giúp binh sỹ bị nạn”, “Giúp đồng bào tản cư”, “Quỹ bình dân học vụ”, “Đón thương binh về làng”, “Đỡ đầu bộ đội” được thực hiện đã kịp thời đảm bảo nguồn tài lực phục vụ sản xuất và chiến đấu. Đầu năm 1949, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn “Tích cực cầm cự, chuẩn bị tiến mạnh sang tổng phản công”. Hoạt động quân sự và tài chính Nhà nước được chuyển dần từ phân tán sang tập trung, tích cực phục vụ nhiệm vụ chiến lược mới.

Ngày 12/02/1950, Hồ Chủ tịch ký Lệnh tổng động viên nhân tài vật lực của toàn dân theo phương châm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các địa phương và nhân dân thi đua thực hiện “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Về tài chính, phương hướng đề ra trong giai đoạn này là: Động viên đến mức cao nhất mọi khả năng đóng góp của nhân dân, công bằng, hợp lý, bảo đảm người giàu có khả năng đóng góp nhiều hơn người nghèo, người ít khả năng. Chuyển hướng quan trọng là những khoản đóng góp chính không thu bằng tiền mà thu bằng hiện vật, chủ yếu là thóc; tránh ảnh hưởng của lạm phát làm giá trị đồng bạc giảm sút; bảo đảm cho bộ đội ăn no, đánh thắng và cung cấp đủ lương thực cho cán bộ, công nhân viên Nhà nước. Trên tinh thần đó “Quỹ tham gia kháng chiến” được chuyển thành “Quỹ công lương”; thuế điền thổ được sửa đổi theo lũy tiến đánh vào tổng số hoa lợi của chủ ruộng đất, vừa tăng thu cho ngân sách, vừa động viên công bằng, hợp lý, sát hơn với khả năng của người nộp thuế, đặc biệt đối với địa chủ, phú nông có nhiều ruộng đất tốt, thu hoạch cao.

Nhu cầu chi tiêu cho kháng chiến tăng mạnh so với những cố gắng và kết quả động viên dưới các hình thức tự nguyện và bắt buộc như đã nêu ở trên. Trong 4 năm đầu kháng chiến (1947-1950), số thu ngân sách chỉ mới đáp ứng được khoảng một phần tư nhu cầu chi tiêu; số còn lại phải dựa vào phát hành tiền, một lợi thế mà Cách mạng đã giành được từ lòng tin của nhân dân.

Thắng lợi Thu - Đông năm 1950 làm cho cục diện chiến tranh thay đổi có lợi cho ta, vùng giải phóng mở rộng nối liền Việt Bắc với các Liên khu 3, 4; khai thông biên giới, liên hệ trực tiếp với phe XHCN và lực lượng hoà bình dân chủ thế giới.

Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp vào đầu năm 1951 đã quyết định phương hướng, chủ trương đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Tiếp sau đó, các Hội nghị Trung ương 1, Trung ương 2 (Khoá II) đã đề ra những chuyển hướng cơ bản trong công tác kinh tế - tài chính, chủ yếu tập trung vào các nội dung phải thực hiện chính sách động viên và quản lý tài chính trong thời chiến theo hướng “tăng thu, giảm chi, thống nhất quản lý thu, chi”, trọng tâm là:

- Chuyển hẳn từ chính sách động viên đóng góp theo tự nguyện sang chính sách động viên đóng góp theo nghĩa vụ, phù hợp với khả năng, mà căn cứ là nguồn thu nhập của từng người. Người có thu nhập nhiều đóng góp nhiều; người có thu nhập ít đóng góp ít; người có thu nhập quá thấp thì được miễn đóng góp.

- Việc động viên đóng góp của nhân dân cho Nhà nước được tập trung vào hai chính sách lớn là thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp

- Nghiêm cấm mọi hình thức quyên góp gây phiền hà cho dân ở các cấp, các ngành; mọi việc chi tiêu phải theo đúng chế độ, tiết kiệm và phải có quản lý, kiểm tra chặt chẽ.

Có thể khẳng định, bằng chính sách tài chính linh hoạt, có tầm nhìn xa trông rộng, bằng sự xả thân đổ mồ hôi, xương máu của hàng ngàn cán bộ tài chính đã giúp cho ngành Tài chính Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn cam go nhất sau ngày thành lập đến nửa đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, tạo tiền đề cho các thắng lợi rực rỡ, vẻ vang về sau.