Ngành thép dự báo tăng trưởng 10% trong năm 2024


Triển vọng sản xuất thép của Việt Nam được dự báo có thể sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2024 nhờ kỳ vọng nhu cầu thép thế giới phục hồi.

Sản xuất thép tại Nhà máy cán thép Thái Nguyên.
Sản xuất thép tại Nhà máy cán thép Thái Nguyên.

Tín hiệu lạc quan

Thực tế thời gian vừa qua, với những diễn biến khả quan về lượng hàng tiêu thụ tăng trở lại trong tháng cuối năm 2023, nhiều dự báo năm 2024 ngành thép có thể hồi phục một cách tích cực, qua đó giúp ngành thép gia tăng mạnh biên lợi nhuận.

Những ngày đầu tháng 1/2024, thị trường thép xây dựng nội địa đã có đợt điều chỉnh giá đầu tiên khi các nhà sản xuất đồng loạt tăng giá bán thép cuộn và thép thanh vằn các loại với mức tăng phổ biến 200 nghìn đồng/tấn.

Hiện giá thép thanh vằn trong nước đang dao động quanh mức 14,2-14,85 triệu đồng/tấn, giá thép cuộn xây dựng dao động từ 14,1-14,7 triệu đồng/tấn (giá thanh toán ngay tại nhà máy, chưa VAT, đã trừ chiết khấu tối đa theo sản lượng và vùng miền).

Theo VSA, tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm tăng 12% lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đưa ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay.

Sự hồi phục mạnh của ngành thép năm nay được thiết lập trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của kinh tế vĩ mô và sự "đóng băng" của thị trường bất động sản năm 2023. Sang năm 2024, ngành thép được dự báo sẽ có những bước dài tăng trưởng, kéo theo sự hồi phục lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành.

Nguồn: VSA
Nguồn: VSA

Bên cạnh đó, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) cũng chỉ ra, nhu cầu thép toàn cầu đã đạt 1,81 tỷ tấn trong năm 2023 và sẽ tăng 1,9% lên mức 1,85 tỷ tấn vào năm 2024.

Trong đó, nhu cầu thép của ASEAN kỳ vọng tăng 5,2%. Hiện, ASEAN là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% thị phần xuất khẩu; EU và Mỹ đứng thứ 2 và 3 lần lượt chiếm 28% và 9%.

Sản lượng xuất khẩu cũng sẽ cải thiện trong quý đầu tiên của năm 2024 do chênh lệch giữa giá thép ở Bắc Mỹ, châu Âu so với giá thép ở Việt Nam ngày càng gia tăng.

Kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường

VSA cho rằng, nền kinh tế hiện đã ghi nhận một số điểm sáng về các chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành.

Đồng thời, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông từ quý III/2023 đã là những tín hiệu tích cực cho thị trường thép Việt Nam.

Do đó, VSA cũng dự báo về triển vọng sản xuất thép của Việt Nam có thể sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi trở lại.

Dự báo sản xuất thép thành phẩm giai đoạn 2024-2025 sẽ đạt khoảng 28-30 triệu tấn và nhu cầu tiêu thụ thép trong nước đạt khoảng 21-22,5 triệu tấn. Điều này sẽ giúp thị trường thép trong nước khởi sắc, các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ bùng nổ lợi nhuận sau một thời gian dài chịu cảnh thua lỗ, tồn kho.

Nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà phân tích cũng cho rằng, lợi nhuận của các công ty thép đã chạm đáy trong năm 2023 và sẽ phục hồi trong 2-3 năm tới và đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện và biên lợi nhuận gộp tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ thép thực tế của người tiêu dùng cuối cùng chưa thực sự phục hồi như kỳ vọng nhưng đợt tăng giá đầu năm 2024 này đã được các chuyên gia dự báo từ cuối năm 2023 khi giá nguyên liệu sản xuất tăng liên tiếp trong nhiều tuần. Với đà phục hồi, dự báo giá thép có thể tiếp tục tăng ngay trước Tết Nguyên đán và vượt qua mốc 15 triệu đồng/tấn.

Do đó, các doanh nghiệp ngành thép đều mong Chính phủ cùng các bộ, ngành có chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy sự phát triển của thị trường thép trong năm 2024.

Theo nhandan.vn