Ngành Thuế: Khó khăn càng lớn, nỗ lực càng cao

Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Năm 2023, tình hình kinh tế xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến hầu hết các quốc gia trên thế giới cầu... Không nằm ngoài sự vòng xoáy đó, kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn khi hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy... ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao là kết quả từ đường lối lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt khó và đóng góp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo và nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ công chức thuế trong năm qua.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn trao Cờ thi đua của Bộ Tài chính cho Tổng cục Thuế.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn trao Cờ thi đua của Bộ Tài chính cho Tổng cục Thuế.

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ thu

Để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Nghị Quyết số 43/2022/NQ-QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình và chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm và 22 nhóm giải pháp đã đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022.

Đồng thời, ban hành Quyết định số 120/QĐ-TCT ngày 20/02/2023 cụ thể hóa thành 30 nhiệm vụ và 94 giải pháp thực hiện. Chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực, quyết tâm không ngừng của toàn thể cán bộ công chức, người lao động toàn hệ thống thuế, số thu NSNN năm 2023 đã vượt dự toán được giao. Theo đó, ước số thu NSNN năm 2023 cho ngành Thuế thực hiện đã đạt 1.448.200 tỷ đồng; bằng 105,5% dự toán.

Để đạt được con số này, trong năm 2023, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thu, cơ quan thuế các cấp đã triển khai hiệu quả các chức năng quản lý thuế; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; tăng cường thu hồi nợ đọng. Đồng thời, chú trọng công tác hỗ trợ người nộp thuế để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý, góp phần tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Cũng trong năm, cơ quan thuế các cấp tiếp tục triển khai có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề quản lý của ngành như tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế trong lĩnh vực hóa đơn; hoàn thuế giá trị gia tăng; các DN có phát sinh giao dịch liên kết...

Đối với công tác quản lý và thu hồi nợ thuế, ngay từ đầu năm 2023, Tổng cục Thuế cũng đã giao chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ và tiền thuế nợ năm 2023 cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ, gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.

Tuy nhiên, do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các tháng, ảnh hướng đến việc thu hồi nợ thuế. Trong bối cảnh đó, cơ quan thuế các cấp tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách về thuế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các Nghị định, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý nợ thuế, năm 2023, toàn ngành Thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 41.557 tỷ đồng.

Tiên phong trong chuyển đổi số

Năm 2023, ngành Thuế đã chủ động áp dụng công nghệ thông tin giúp công tác quản lý thuế ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, được cộng đồng DN và người nộp thuế đánh giá cao. Theo đó, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn.

Cụ thể, ngày 24/4/2023, Tổng cục Thuế đã chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử”. Để đưa hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử vào triển khai trong thực tế, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 1669/TCT-QLRR ngày 10/5/2023 về việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn để tập huấn hướng dẫn các đơn vị thực hiện.

Việc thực hiện hóa đơn điện tử toàn quốc cũng như đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, thông suốt có tác động rất lớn đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả cho thấy việc áp dụng hóa đơn điện tử là “mũi tên trúng nhiều đích”, góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của người dân, DN theo hướng tích cực, hiện đại, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và phù hợp xu hướng quốc tế; huy động nguồn thu vào ngân sách đúng đắn, minh bạch.

Một trong những dấu ấn nổi bật khác của ngành Thuế trong công tác quản lý các nguồn thu chính là việc vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (hoạt động từ ngày 21/3/2022). Với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của quốc gia đối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tính đến ngày 24/11/2023 đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Các nhà cung cấp nước ngoài trên đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Australia, Anh... Trong đó, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu như: Google, Meta, Microsoft, Tiktok... cũng đều đã đăng ký và kê khai, nộp thuế hàng triệu USD. Lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 8.020 tỷ đồng, trong đó 6.820 tỷ đồng khai - nộp trực tiếp qua cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay.

Song song với đó, Cổng thông tin thương mại điện tử cũng được Tổng cục Thuế chính thức vận hành ngày 15/12/2022 để tiếp nhận thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn từ các sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022. Đến nay, sau 4 kỳ cung cấp thông tin, Cổng thông tin thương mại điện tử đã ghi nhận 357 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo thông tin sàn thương mại điện tử cung cấp thì số lượng tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trên sàn là hơn 191 nghìn với tổng giá trị giao dịch là gần 59 nghìn tỷ đồng.

Nỗ lực vượt qua thách thức của năm 2024

Năm 2024, tình hình thế giới dự báo còn nhiều bất ổn, chiến tranh, xung đột giữa các quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể kéo dài; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục xu hướng chậm lại. Trong nước, nền kinh tế có những thuận lợi cơ bản, song tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế bên trong. Đặc biệt, năm 2024 Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho DN phát triển. Điều này sẽ tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành Thuế trong năm 2024.

Tuy nhiên, phát huy những kết quả đạt được năm 2023, ngành Thuế sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ mọi giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 được Quốc hội giao. Theo đó, ngành Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp về gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất đã được ban hành, nhằm hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2023- 2025; thực hiện tốt chương trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế; kịp thời triển khai áp dụng các văn bản, chính sách pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế.

Một nhiệm vụ quan trọng khác mà ngành Thuế sẽ nỗ lực thực hiện trong năm 2024 đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hệ thống thuế đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Toàn Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế; tăng cường các biện pháp phòng chống gian lận hóa đơn điện tử; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; thúc đẩy cung cấp dịch vụ thuế điện tử; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Đặc biệt, ngành Thuế sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ người dân và DN và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, tiêu cực. Xây dựng kế hoạch hành động thường xuyên nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thu thuế phải thu được lòng dân”.

 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2024