Ngành Thuế và Kho bạc tỉnh Thái Bình: Phối hợp tốt trong thu thuế xây dựng cơ bản
(Tài chính) Để đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, thời gian qua ngành Thuế Thái Bình đã quyết liệt triển nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Kho bạc nhà nước các cấp trong Tỉnh thực hiện nhiều biện pháp chống thất thu hiệu quả...
Tăng cường phối hợp, chỉ đạo
Theo số liệu của ngành Thuế, đến tháng 9/2013 toàn tỉnh có 176 doanh nghiệp xây dựng nợ thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% của các công trình xây dựng cơ bản (XDCB), với tổng số tiền thuế và phạt là 108 tỷ đồng, chiếm 14,4% trong tổng nợ thuế của toàn ngành. Số nợ thuế của các đơn vị XDCB tăng cao do một bộ phận doanh nghiệp chưa có ý thức chấp hành và sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa đạt hiệu quả cao; một số doanh nghiệp tỉnh ngoài chưa thực hiện việc đăng ký mã số thuế nên việc tiếp cận với chủ đơn vị thi công gặp khó khăn…
Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế đối với công trình XDCB sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chống thất thu ngân sách, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã chủ động phối hợp Sở Tài chính – Kho bạc ban hành công văn số 02/HDLN-CT-KB-STC ngày 29/7/2011 hướng dẫn trình tự thủ tục nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với công trình xây dựng thực hiện thanh toán qua Kho bạc.
Cục Thuế đã chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế huyện, thành phố thực hiện kiểm tra, rà soát, tăng cường quản lý các nguồn thu về XDCB, thuế tài nguyên, khai thác tài nguyên trên địa bàn để kết hợp chặt chẽ với KBNN cùng cấp thu số tiền thuế 2% tương ứng với mỗi lần thanh toán hay cấp phát vốn. Chi cục Thuế các huyện, thành phố, các phòng Kiểm tra thuế thuộc văn phòng Cục Thuế đã giao nhiệm vụ cho mỗi cá nhân hoặc tổ công tác thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc và tổ chức thu, đốc thu thuế XDCB. Định kỳ tổ công tác làm việc trực tiếp với KBNN, phòng Tài chính huyện cùng cấp nắm bắt, đối chiếu các công trình XDCB phát sinh mới, công trình đang thi công và tiến độ thanh toán vốn để kịp thời quản lý thu thuế theo đúng quy định.
Nhờ tăng cường phối hợp, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ giữa ngành Thuế và Kho bạc, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức chấp hành kê khai thuế, nộp thuế của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực XDCB. Từ những hiệu quả mang lại của công tác phối hợp trong việc thu thuế GTGT 2% qua Kho bạc, đồng thời thực hiện chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 8/8/2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường quản lý thu ngân sách đảm bảo dự toán thu NSNN năm 2013; công văn số 10343/BTC-TCT ngày 8/8/2013 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường chỉ đạo thu Ngân sách Nhà nước năm 2013, ngành Thuế Thái Bình và KBNN tiếp tục xây dựng chương trình phối hợp thu nợ thuế XDCB vào NSNN bằng công văn hướng dẫn liên ngành số 2086/HDLN-CT-KB ngày 07/10/2013. Cục Thuế đã chỉ đạo phòng Quản lý và cưỡng chế nợ thuế, Chi cục Thuế huyện, thành phố thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình quản lý và cưỡng chế nợ thuế; thực hiện gửi thông báo đầy đủ, chính xác, kịp thời cho người nộp thuế và KBNN; lập danh sách các đơn vị nợ thuế gửi cho KBNN vào tuần đầu của các tháng tiếp theo; lập lệnh thu đối với để KBNN thực hiện khấu trừ tiền nợ, tiền thuế, tiền phạt.
Chống thất thu thuế, giảm nợ thuế, nâng cao ý thức người nộp thuế trong việc chấp hành thủ tục hành chính thuế, nộp thuế để đạt hiệu quả cao cần sự vào cuộc không chỉ của cơ quan Thuế mà cần tới sự tham gia của hệ thống cơ quản quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị… nói chung và hệ thống KBNN các cấp nói riêng. Sau 2 năm thực hiện công văn hướng dẫn liên ngành số 02/HDLN-CT-STC-KB giữa ngành Thuế Thái Bình, hệ thống KBNN đã được kết quả ban đầu đáng ghi nhận và có thể được coi là là biện pháp hữu hiệu để ngành Thuế Thái Bình giảm tỷ lệ nợ thuế nói chung và của các công ty XDCB nói riêng.
Chống thất thu ngân sách
Với những nỗ lực và tinh thần phối hợp đầy trách nhiệm của hệ thống KBNN các cấp, của Sở Tài chính, phòng Tài chính huyện, thành phố cộng với sự quyết tâm, chủ động của ngành Thuế, sau 2 năm triển khai thực hiện đến nay số thuế GTGT thu qua Kho bạc đã có đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành kế hoạch của ngành Thuế nói chung và Chi cục Thuế huyện, thành phố nói riêng. Kết quả của công tác phối hợp được ghi nhận qua số lượng và số thuế thu được ngày càng tăng lên như sau: tính từ tháng 7/2011 đến hết tháng 9/2013 đã thu của 4.644 công trình với số tiền thuế là 134,437 tỷ đồng. Trong đó số thu của 1.737 công trình năm 2012 là 62,601 tỷ đồng tăng 4,11 lần so với năm 2010, 9 tháng năm 2013 số thu đạt 56,615 tỷ đồng của 1.864 công trình. Cụ thể, năm 2011 toàn ngành thu 2% thuế GTGT của 1.043 công trình là 15.221 triệu đồng; đến năm 2012 số công trình tăng lên là 1.737, số tiền thuế là 62.601 triệu đồng; trong 9 tháng năm 2013 đã thu được 56.615 triệu đồng của 1.864 công trình. Một số chi cục có số thu lớn, góp phần tích cực đến cân đối ngân sách, như Chi cục Thuế Thái Thụy là 3.512 triệu đồng, Chi cục Thuế Quỳnh Phụ 4.127 triệu đồng, Chi cục Thuế Hưng Hà 2.793 triệu đồng…
Theo kết quả thu thuế 2% XDCB của các chi cục thuế thì số thuế này thu qua kho bạc chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng thu thuế nội địa và tổng thu do ngành Thuế quản lý, như năm 2011 chiếm 0,01%, năm 2012 và 9 tháng năm 2013 là 0,03%. Tuy nhiên, nguồn thu này lại góp phần tích cực đến cân đối ngân sách các cấp và tạo sự công bằng trong việc nộp ngân sách của các thành phần kinh tế, thể hiện sự nghiêm túc về các quy định của Luật Quản lý thuế. Xác định được điều này, ngay từ đầu năm 2013 cùng với triển khai nhiệm vụ thu thuế của toàn ngành, công tác quản lý thu nợ, cưỡng chế nợ thuế cũng được triển khai đồng bộ từ Cục Thuế tới các chi cục, với mục tiêu giảm số nợ cũ, hạn chế nợ mới phát sinh.
Vẫn còn những tồn tại cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả tích cực mang lại từ công tác phối hợp thực hiện chống thất thu trong những năm qua, ngành Thuế, Kho bạc, song trên thực tế vẫn còn một số khó khăn, tồn tại đặt ra đối với việc thực hiện thu ngân sách trong lĩnh vực thu thuế XDCB trên địa bàn Tỉnh. Đó là các vấn đề phát sinh tại các công trình do doanh nghiệp tỉnh ngoài thi công trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Hiện nay, số doanh nghiệp nợ thuế XDCB do Cục Thuế quản lý là 81 đơn vị, với số tiền nợ 79 tỷ đồng; các doanh nghiệp do các chi cục thuế huyện, thành phố quản lý là 126, tổng số tiền nợ là 28 tỷ đồng. Trong số các doanh nghiệp XDCB nợ thuế có một số doanh nghiệp còn nợ khá lớn, như Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại dịch vụ Phú Hòa Phát nợ 28 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà HUD2 11,5 tỷ đồng, Chi nhánh Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (FBS) Thái Bình nợ 7 tỷ đồng… Nguyên nhân nợ đọng thuế gia tăng trước hết do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cắt giảm chi tiêu công, nhiều công trình XDCB tạm dừng thi công, vốn ngân sách giải ngân chậm, các chủ đầu tư chậm thanh toán vốn.
Đặc biệt, do ý thức của một bộ phận doanh nghiệp xây dựng kém, cố tình dây dưa nợ đọng. Ông Đinh Gia Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế Thành phố Thái Bình cho biết: Chi cục đã dùng rất nhiều biện pháp để quản lý, thu hồi tiền nợ đọng thuế của các doanh nghiệp XDCB nhưng hiệu quả không cao; mặc dù Chi cục đã nắm rõ doanh nghiệp có nợ tiền thuế 2% GTGT của công trình XDCB có gửi tiền vào tài khoản ngân hàng, nhưng khi Chi cục dùng biện pháp cưỡng chế thì tài khoản lại không còn số dư, do doanh nghiệp đã rút ở chi nhánh khác… Vì vậy, việc thu hồi nợ đọng và tránh thất thu tiền thuế GTGT 2% XDCB là rất khó khăn.
Ông Đặng Hồng Kỳ, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Trong thu thuế GTGT 2% XDCB trong thời gian qua còn một số hạn chế như việc phối hợp giữa ngành Thuế với chính quyền địa phương và Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính các cấp chưa thống nhất đối với một số công trình XDCB hoàn thành đã thực hiện trích nộp 2% thuế GTGT qua kho bạc, đã thanh toán vốn nhưng chủ đầu tư không xuất hóa đơn, như công trình xây dựng trụ sở UBND xã, kiên cố hóa kênh mương của xã, trường mầm non… Ngoài ra, một số công trình xây dựng nông thôn mới không kết cấu thuế GTGT trong dự toán ở một số huyện, như Hưng Hà, Thái Thụy, Kiến Xương. Đồng thời, chứng từ nộp qua kho bạc chỉ ghi thu 2% thuế GTGT trên tổng giá trị thanh toán theo đơn vị thi công mà không ghi chi tiết thu theo công trình xây dựng, do đó gây khó khăn cho cơ quan thuế khi đối chiếu, tổng hợp.
Trước thực trạng trên, ngành Thuế và Kho bạc Nhà nước Tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 2177 về việc phối hợp thu nợ thuế đối với các doanh nghiệp XDCB vào ngân sách Nhà nước. Theo đó, ngành Thuế và Kho bạc đã cụ thể hóa nội dung công văn của UBND tỉnh để phối hợp thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đối với ngành Thuế, các phòng, đội quản lý nợ phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, như ban hành 100% thông báo phạt nộp chậm và áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Khi có thông báo của Kho bạc Nhà nước tỉnh thì lập ngay lệnh thu ngân sách và gửi chủ đầu tư, kho bạc để thực hiện khấu trừ tiền thuế nợ khi thanh toán vốn XDCB của nhà thầu. Đối với Kho bạc, ngoài việc khấu trừ số thuế GTGT để nộp vào ngân sách Nhà nước theo tỷ lệ quy định là 2% trên tổng số tiền thanh toán khối lượng các công trình, hạng mục công trình XDCB trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, còn thực hiện khấu trừ để thu nợ tiền thuế, tiền phạt của các nhà thầu xây dựng theo lệnh thu ngân sách của cơ quan thuế.