Ngành vật liệu “phập phồng” đón 2014

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Năm 2014, do thị trường bất động sản dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến sức tiêu thụ, nên các đơn vị trong ngành cần theo sát và có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp.

Ngành vật liệu “phập phồng” đón 2014
Năm 2014, ngành vật liệu cần theo sát và có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Nguồn: internet
Cân đối cung - cầu

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, năm 2013, Bộ đã hoàn thành việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quản lý và chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Đối với thị trường xi măng, Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 9 dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch; giãn tiến độ của 7 dự án có công suất trên 2.500 tấn clinker/ngày dự kiến thực hiện trước năm 2015, chuyển sang thực hiện trong giai đoạn sau năm 2015.

Hiện tổng công suất các nhà máy xi măng đang hoạt động đạt trên 70 triệu tấn. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ năm 2013 khoảng 61 triệu tấn, đạt 107,5% kế hoạch năm, tăng 13,9% so với năn 2012; trong đó, tiêu thụ nội địa đạt khoảng 47 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2012; xuất khẩu khoảng 14 triệu tấn, tăng gần 6 triệu tấn.

Ngoài ra, để góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung cũng được đẩy mạnh. Hiện đã có 20 tỉnh, thành phố đã xây dựng lộ trình xóa bỏ các loại lò gạch thủ công, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh đã dừng 100% các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, trong năm 2013, Bộ Xây dựng đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch vật liệu xây dựng, việc khai thác, sản xuất, xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng; kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng trên thị trường, khuyến khích sử dụng vật liệu trong nước, đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng lượng tiêu thụ, giảm hàng tồn kho, cân đối cung cầu trên thị trường.

Đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết hàng tồn kho

Theo đại diện Vụ Vật liệu, tình hình sản xuất tiêu thụ các loại vật liệu gốm, sứ, kính xây dựng và vật liệu xây phụ thuộc rất lớn vào các dự án bất động sản, trong khi thị trường trong năm qua chưa có nhiều khởi sắc, nên tiêu thụ khá chậm. Vì vậy, các nhà sản xuất đã điều tiết sản xuất theo tình hình tiêu thụ, giúp lượng tồn kho giảm đi. Như gạch ốp lát còn tồn khoảng 16 triệu m2, tương đương 2 tháng sản xuất; kính xây dựng tồn kho khoảng 10 - 12 triệu m2 quy tiêu chuẩn, tương đương 1,5 tháng sản xuất…

Riêng đối với thị trường xi măng, năm 2013, tiêu thụ nội địa xi măng đạt 47 triệu tấn, bằng 103,4% so với năm 2012; xuất khẩu ước đạt 14,03 triệu tấn, bằng 173,2% so với năm 2012. Giá bán xi măng tháng 12/2013 tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn so với thời điểm tháng 8 do giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, đặc biệt giá điện tăng.

“Hầu hết các nhà máy không sản xuất dư thừa nhiều so với mức tiêu thụ. Lượng tồn kho chỉ tương đương 12 - 14 ngày sản xuất”, ông Tới nói và cho rằng, với hoạt động sản xuất, tiêu thụ như năm 2013, cùng với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, trong năm 2014, sản xuất xi măng vẫn có cơ hội để phát triển.

“Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất với Chính phủ, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ giảm khó khăn cho toàn ngành như: đưa xi măng vào các công trình giao thông, đường xá, cầu cảng, tàu điện ngầm, đường trên cao; nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho xuất khẩu...”, ông Nam cho biết, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành cần theo dõi sát và có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Theo ông Nam, để phát triển ổn định lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong năm nay, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý vật liệu xây dựng theo quy hoạch, đặc biệt là xi măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu, bảo đảm cân đối cung - cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết hàng tồn kho. Bên cạnh đó, tích cực phát triển vật liệu xây không nung; tăng cường kiểm soát việc khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.