Nhìn lại các chính sách phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách pháp luật cụ thể nhằm bảo vệ nguồn nước nói chung và BVMT nói riêng. Trong đó các chính sách đã đề cao vấn đề thu phí, lệ phí đối với các đơn vị thải nước thải, chất thải ra môi trường để tạo dựng được Quỹ BVMT và giảm tải gánh nặng lên ngân sách nhà nước, đồng thời tạo sự công bằng trong xã hội.

Ngày 03/6/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2002/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí. Nghị định này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006, trong đó quy định phí BVMT đối với nước thải thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ; Ngày 13/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về phí BVMT với nước thải. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, sau đó, Nghị định này được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 và Nghị định số 26/2010/NĐ-CP ngày 22/3/2010.

Song hành với việc ban hành các Nghị định quy định về lĩnh vực thu phí, lệ phí đối với nước thải, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định của Nghị định. Cụ thể, Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải; Thông tư liên tịch số 106/2007/TTLT-BTC-BTNMT ngày 06/9/2007 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT ngày 18/12/2003; Thông tư liên tịch số 107/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 26/07/2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT ngày 18/12/2003 và Thông tư liên tịch số 106/2007/TTLT-BTC-BTNMT ngày 06/09/2007...

Việc ban hành hàng loạt chính sách trên đã phần nào tạo ra nguồn phí nộp vào ngân sách để sử dụng cho việc BVMT , đầu tư mới, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại địa phương. Đồng thời, bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ BVMT của địa phương, trả nợ vay đối với các khoản vay của các dự án thoát nước thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, phí BVMT đối với nước thải đã bộc lộ một số vướng mặc, bất cập cần khắc phục để hoàn thiện hệ thống chính sách, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc xác định các đối tượng nộp phí BVMT đối với nước thải hiện nay chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các thành phần gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, theo quy định hiện hành có thể dẫn đến tình trạng thu phí trùng.

Thứ ba, việc xác định lưu lượng nước thải chủ yếu thông qua hệ thống cung cấp nước sạch rất khó khăn và thiếu tính chính xác.

Thứ tư, định mức phát thải của chất gây ô nhiễm làm căn cứ để tính khối lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải công nghiệp chưa được ban hành. Việc xác định mức phí phải nộp đối với từng cơ sở phụ thuộc vào năng lực thẩm định của sở tài nguyên và môi trường. Trong khi đó, nguồn nhân lực và các trang thiết bị tại các sở tài nguyên và môi trường còn nhiều hạn chế.

Thứ năm, việc kê khai và thẩm định tờ khai phí BVMT đối với nước thải công nghiệp còn rườm rà và nhiều bất cập, gây phiềm hà, tốn thời gian cho doanh nghiệp nộp phí.

Thứ sáu, chính sách thu phí BVMT đối với nước thải được quy định ở nhiều văn bản, đồng thời chưa có sự thống nhất giữa phí BVMT đối với nước thải và phí thoát nước quy định tại Nghị định số 88/2007/ NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về phí thoát nước đô thị và khu công nghiệp. Do đó, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

Trước thực trạng trên, đòi hỏi đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về thu phí, lệ phí BVMT đối với nước thải và việc Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2013/NĐ-CP đã góp phần giải tỏa những vướng mắc trên.

Quy định mới tại Nghị định 25/2013/NĐ-CP

Với 3 chương, 11 điều, Nghị định số 25/2013/ NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải đã đưa ra các quy định về phí bao trùm đối với nước thải, áp dụng đối với nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Đồng thời, Nghị định cũng xác định cụ thể từng nguồn nước thải như: Nước thải thải công nghiệp là nước thải ra môi trường từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, bao gồm nước thải không chứa kim loại nặng và nước thải có chứa kim loại nặng; Nước thải sinh hoạt là nước thải ra môi trường từ các hộ gia đình, tổ chức khác không thuộc đối tượng quy định nêu trên. Tổ chức, cá nhân xả nước thải là người nộp phí BVMT đối với nước thải theo quy định này. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xả nước thải vào hệ thống thoát nước khu đô thị hoặc khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì người nộp phí BVMT đối với nước thải là đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.

Mức phí đối với nước thải sinh hoạt

Mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán của 1m3 nước sạch, nhưng tối đa không quá 10% của giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng (trừ hộ gia đình ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch), thì hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức phí cho từng người sử dụng nước, tương ứng với số phí trung bình một người sử dụng nước từ hệ thống nước sạch phải nộp tại địa phương.

Mức phí đối với nước thải công nghiệp

Mức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được tính như sau:

Thứ nhất: Đối với nước thải không chứa kim loại nặng tính theo công thức:

F = f + C, trong đó: F là số phí phải nộp; f là mức phí cố định theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng tối đa không quá 2.500.000 đồng/năm; C là phí biến đổi, tính theo: Tổng lượng nước thải ra; hàm lượng 2 chất gây ô nhiễm là nhu cầu ô xy hóa học (COD) và chất rắn lơ lửng (TSS); mức thu đối với mỗi chất theo (Biểu1).

Nghị định số 25/2013/NĐ-CP: Hoàn thiện chính sách phí bảo vệ môi trường  - Ảnh 1

Thứ hai: Đối với nước thải chứa kim loại nặng tính theo công thức:

F = (f x K) + C, trong đó: F, f và C như quy định đối với nước thải không chứa kim loại nặng; K là hệ số tính phí theo khối lượng nước thải chứa kim loại nặng của các cơ sở sản xuất, chế biến theo Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất có nước thải chứa kim loại nặng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và được xác định theo (Biểu 2).

Nghị định số 25/2013/NĐ-CP: Hoàn thiện chính sách phí bảo vệ môi trường  - Ảnh 2

Cơ sở sản xuất, chế biến thuộc Danh mục các ngành, lĩnh vực sản xuất có nước thải chứa kim loại nặng nếu xử lý các kim loại nặng đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì được áp dụng hệ số K bằng 1. Trong đó, cơ sở sản xuất, chế biến có khối lượng nước thải dưới 30 m3/ngày đêm, không áp dụng mức phí biến đổi.

Đối tượng không chịu phí

Nghị định cũng quy định không thu phí BVMT đối với nước thải trong các trường hợp: Nước xả ra từ các nhà máy thuỷ điện, nước tuần hoàn trong các nhà máy điện; nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội; nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch; nguồn nước làm mát thiết bị, máy móc; nước mưa tự nhiên chảy tràn.

Thẩm quyền quy định mức phí và quản lý sử dụng

HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt áp dụng cho từng địa bàn, từng loại đối tượng tại địa phương. Căn cứ vào khung mức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp đã được quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể mức thu phí cố định và mức thu đối với từng chất gây ô nhiễm trong nước thải công nghiệp; hướng dẫn việc xác định số phí BVMT đối với nước thải công nghiệp phải nộp của đối tượng nộp phí.

Phí BVMT đối với nước sau khi thu được sẽ để lại một phần cho cơ quan, đơn vị trực tiếp thu phí để trang trải chi phí cho việc thu phí; chi phí đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải phục vụ cho việc thẩm định phí, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công. Phần còn lại, đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp toàn bộ vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác BVMT; bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ BVMT của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ nước thải...

Một số điểm nhấn so với quy định cũ

Như vậy, so với các quy định trước đây về phí BVMT đối với nước thải, Nghị định 25/2013/NĐ-CP có một số điểm nhấn cơ bản như sau:

Một là, bổ sung vào đối tượng không chịu phí: (i) nước làm mát thiết bị, máy móc không tiếp xúc với chất gây ô nhiễm trước khi thải ra môi trường và (ii) nước mưa tự nhiên chảy tràn;

Hai là, xác định rõ về trường hợp các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nước từ đơn vị cung cấp nước sạch thì chỉ phải nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp (không phải nộp phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt trên hoá đơn tiền nước).

Ba là, thay đổi cách tính và mức phí đối với nước thải công nghiệp, cụ thể là: Quy định khung mức thu phí cố định theo năm tối đa không quá 2.500.000 đồng đối với tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến thuộc diện nộp phí BVMT đối với loại nước thải này; Ngoài mức phí cố định nêu trên, các doanh nghiệp xả nước thải với khối lượng từ 30m3/ngày đêm trở lên thì nộp phí biến đổi đối với 2 chất gây ô nhiễm là nhu cầu ô xy hoá học (COD) và chất rắn lơ lửng (TSS) theo khung mức đối với từng chất lần lượt từ 1.000 đồng/kg – 3.000 đồng/ kg và 1.200 đồng/kg – 3.200 đồng/kg (thay vì mức khung từ 100 – 300 đồng/kg và từ 200 – 400 đồng/ kg quy định tại Nghị định 67).

Riêng các doanh nghiệp có nước thải chứa kim loại nặng thì mức phí cố định nêu trên được nhân thêm với hệ số K từ 2 – 21 tuỳ vào lượng nước xả thải của đơn vị tính theo m3/ngày đêm. Đối với cơ sở có nước thải chứa kim loại nặng có đầu tư, xử lý các kim loại nặng đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì được áp dụng hệ số K bằng 1. Căn cứ khung mức phí cố định và phí biến đổi nêu trên, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quy định mức cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất có nước thải chứa kim loại nặng để làm cơ sở áp dụng hệ số K.

Với những nội dung mới căn bản như trên, Nghị định 25/2013/NĐ-CP sẽ cơ bản khắc phục một số vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện Nghị định 67/2003/NĐ-CP, cụ thể: Thu được phí đối với các chất kim loại nặng có trong nước thải mà không phải lấy mẫu, đánh giá phân tích bằng cách áp dụng hệ số K; Giảm tải khối lượng công việc cũng như chi phí của doanh nghiệp sản xuất và cơ quan thu phí trong việc kê phai, nộp phí; Đảm bảo công bằng cho các cơ sở sản xuất có nước thải khác nhau...

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 5 - 2013

Nghị định số 25/2013/NĐ-CP: Hoàn thiện chính sách phí bảo vệ môi trường

TS. Vũ Thị Thanh Thủy

(Tài chính) Để hạn chế ô nhiễm môi trường từ nước thải, trong những năm qua, Nhà nước đã xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nhằm tiếp tục hoàn hiện chính sách pháp luật về phí bảo vệ môi trường (BVMT) phù hợp với bối cảnh hiện tại, ngày 29/3/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành số 25/2013/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.

Xem thêm

Video nổi bật