Nghị viện Anh thảo luận về Brexit: Thắng lợi bước đầu

Theo Quỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đã có thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến được dự báo là khá cam go tại Nghị viện, liên quan đến việc thảo luận và bỏ phiếu về gần 500 điều khoản xung quanh kế hoạch rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Với khoảng 20 phiếu ít hơn, phe Công đảng đối lập đã không thể thúc đẩy thông qua điều khoản sửa đổi cho phép kéo dài giai đoạn quá độ hậu Brexit. Trước đó, với đa số tuyệt đối, Chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May cũng ngăn chặn thành công đề xuất sửa đổi của phe đối lập nhằm cho phép cơ quan lập pháp vô hiệu hóa quyền phủ quyết liên quan đến thỏa thuận rút lui.

Với 250 phiếu ủng hộ, Nghị viện cũng đã thông qua quyết định hủy bỏ đạo luật của năm 1972, cho phép Anh gia nhập Cộng động chung châu Âu. Đây chỉ là một số trong số 470 điều khoản mà Nghị viện Anh sẽ phải thảo luận và thông qua liên quan đến dự luật Brexit, dài 189 trang.

Mục đích chính của dự luật này là đưa những quy định của EU vào bộ luật của nước Anh nhằm bảo đảm việc Anh rút khỏi EU diễn ra nhịp nhàng, không gây xáo trộn và những cú sốc về pháp luật, kinh tế...

Trong ngày đầu tiên, các nghị sĩ Anh đã thảo luận 8 tiếng liên tục về việc diễn giải những điều luật của EU mà nước Anh đã thực thi để đưa vào luật của Anh, cũng như vai trò của Tòa án Tối cao EU. Một trong những điểm gây tranh cãi là việc Thủ tướng May muốn thời điểm Anh rời EU (23h ngày 29/3/2019) được ghi cụ thể vào dự luật.

Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Bảo thủ và một số chính đảng khác cho rằng, quy định cứng như vậy là thiếu dân chủ, ép các nghị sĩ chỉ được phép bỏ phiếu lựa chọn đồng ý hay không đồng ý, chứ không được phép dừng Brexit hay đề nghị thảo luận lại những thỏa thuận mà chính phủ và EU đã thảo luận xong.

Việc bỏ phiếu cho những điểm mấu chốt của dự luật sẽ diễn ra vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, tranh luận trong tháng 11 sẽ làm rõ những vấn đề và sửa đổi gây tranh cãi mà nhiều khả năng Chính phủ Anh phải chấp nhận điều chỉnh hoặc nhượng bộ.

Đó là bởi cuộc chiến tại cơ quan lập pháp diễn ra đúng thời điểm uy tín của Thủ tướng May bị suy yếu nghiêm trọng sau khi để mất thế đa số tại Nghị viện trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 6 và nhất là sau một loạt bê bối liên quan đến hai quan chức trong Nội các của bà.

Những thắng lợi bước đầu vừa qua của bà May là nhờ sự ủng hộ của một số đảng nhỏ. Tuy nhiên với thực tế là đảng Bảo thủ của bà đã để mất thế đa số tại Nghị viện, quyền lực hiện nằm trong tay các nhà làm luật nhiều hơn là Chính phủ.

Điều này khiến cuộc thảo luận tại Nghị viện trong tuần này và những tuần tới sẽ trở thành bài trắc nghiệm uy tín đầy khó khăn, đồng thời sẽ quyết định bà May thực sự có trong tay những gì để bàn đàm phán với các đối tác châu Âu.

Mặc dù dự luật đang được thảo luận tại Anh hoàn toàn tách biệt với cuộc đàm phán tại Brussels, nhưng EU vẫn muốn xem xét những điều khoản sẽ được thông qua và năng lực của bà May tới đâu trước khi có những bước đi tiếp theo.