Nghị viện châu Âu bỏ phiếu "đóng băng" thỏa thuận đầu tư gây tranh cãi EU-Trung Quốc
Với tỷ lệ bỏ phiếu áp đảo, Nghị viện châu Âu (EP) hôm thứ Năm đã đồng ý đóng băng việc phê chuẩn thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc do các lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh đã áp dụng đối với 5 thành viên đương nhiệm của Nghị viện, theo EuroNews.
Diễn biến mới nhất này thể hiện thêm một đòn đánh của châu Âu lên Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư (CAI/Comprehensive Agreement on Investment) giữa Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc khi mà các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc điện đàm cách đây 5 tháng.
Mục tiêu chính của Hiệp định là tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và đảm bảo đối xử công bằng đối với các nhà đầu tư và công ty đến từ EU kinh doanh tại Trung Quốc. Văn bản muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng và có các điều khoản liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước và các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc.
Mặc dù ban đầu được ca ngợi là bước ngoặt, nhưng thỏa thuận nhanh chóng bị chỉ trích vì những gì các nhà phê bình cho rằng thỏa thuận đã không đủ cam kết liên quan đến quyền lao động, đặc biệt là trước tình trạng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.
Việc EP phê chuẩn thỏa thuận đầu tư - một bước cần thiết trong chu trình lập pháp của EU - đã bị nghi ngờ ngay từ thời điểm bản dự thảo được công bố, nhưng căng thẳng leo thang nhanh chóng khi, vào cuối tháng 3, EU quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Trung Quốc kể từ hơn 30 năm qua.
Một loạt các biện pháp, được thiết kế với sự phối hợp của các đồng minh phương Tây, nhằm vào bốn quan chức Trung Quốc và một thực thể được cho là có liên quan đến các vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng và tức giận. Trong một cuộc phản công gần như tức thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 10 cá nhân châu Âu, bao gồm 5 thành viên của Nghị viện châu Âu và 4 tổ chức, trong đó có tiểu ban về nhân quyền của Nghị viện.
Bắc Kinh cũng đưa vào danh sách đen các quan chức của Anh, Mỹ và Canada. Tổng cộng có hơn 30 cá nhân và tổ chức bị 'trừng phạt'.
Một cuộc "tấn công" chống lại EU?
Các biện pháp trừng phạt đáp trả của Trung Quốc đã khiến Nghị viện châu Âu tức giận và khiến việc phê chuẩn cho Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong Nghị quyết chung được thông qua hôm thứ Năm với 599 phiếu ủng hộ và 30 phiếu chống, các thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) phản đối phản ứng của Bắc Kinh, gọi đây là "một cuộc tấn công chống lại EU và toàn thể EP, trung tâm của nền dân chủ và các giá trị châu Âu, cũng như một cuộc tấn công chống lại quyền tự do nghiên cứu".
Các nghị sĩ viết: "Mặc dù các biện pháp trừng phạt của EU nhắm vào các vi phạm nhân quyền và dựa trên các biện pháp hợp pháp và tương xứng trong luật pháp quốc tế, nhưng các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc không có bất kỳ sự biện minh pháp lý nào, hoàn toàn không có căn cứ, tùy tiện và nhắm vào sự chỉ trích về những vi phạm nhân quyền".
Các Nghị sĩ châu Âu nói rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào xung quanh thỏa thuận đầu tư "đã bị đóng băng một cách chính đáng do các lệnh trừng phạt của Trung Quốc" và từ chối mở ra các cuộc thương thảo trong điều kiện giữ nguyên vị trí hiện tại. Họ cho rằng khả năng xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận của họ đã bị "cản trở đáng kể" bởi những hạn chế đặt ra đối với tiểu ban về nhân quyền của Nghị viện châu Âu.
Hơn nữa, Nghị viện "coi các lệnh trừng phạt là một phần chống lại các phát biểu của Trung Quốc trên toàn thế giới".
Các nhà lập pháp đã nhân cơ hội này thúc đẩy Ủy ban châu Âu, cơ quan đóng vai trò là nhà đàm phán chính của thỏa thuận, "cải thiện việc bảo vệ nhân quyền và hỗ trợ xã hội dân sự ở Trung Quốc" và nhấn mạnh rằng các thỏa thuận thương mại và đầu tư khác với các đối tác khu vực, như Đài Loan, "không nên bị bắt làm con tin khi tạm ngừng phê chuẩn CAI".
Các Nghị sĩ châu Âu cũng thúc giục Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn và thực hiện một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bao gồm các công ước liên quan đến lao động cưỡng bức, tự do hiệp hội và quyền của các tổ chức dân sự.
Trung Quốc và Hoa Kỳ là những nền kinh tế lớn duy nhất không phê chuẩn công ước năm 1930 về việc xóa bỏ lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức. Trung Quốc cũng chưa phê chuẩn Công ước Quốc tế của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị.
Phản ứng trước động thái từ Brussels, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thỏa thuận đầu tư là "đôi bên cùng có lợi" và yêu cầu "nỗ lực tích cực" hướng tới việc sớm phê chuẩn. Người phát ngôn Zhao Lijian bảo vệ các biện pháp đáp trả của Trung Quốc và cho rằng đó là phản ứng "cần thiết, hợp pháp và chính đáng trước các động thái áp đặt trừng phạt và tìm cách đối đầu của EU".