Nghĩa vụ thuế trong thương mại điện tử xuyên biên giới

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ số, trong nhiều năm trở lại đây, thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu, cùng với sự dịch chuyển của xu hướng tiêu dùng, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng trở nên phổ biến hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý thuế hiệu quả đối với giao dịch xuyên biên giới? Nghiên cứu khuôn khổ pháp lý về nghĩa vụ thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, bài viết gợi ý những cần giải quyết đối với công tác quản lý thuế trong thời gian tới.

Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam

Theo Vũ Duy Nguyên (2020), thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT. Mặc dù mới xuất hiện từ những năm 2000 nhưng TMĐT xuyên biên giới đã phát triển nhanh chóng tại các nước Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ và lan rộng sang châu Á - Thái Bình Dương và các nước trên thế giới. Việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia các hiệp định thương mại tự do, đã tạo động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới.

Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường tiềm năng của hoạt động TMĐT xuyên biên giới của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trên nền tảng số hàng đầu của thế giới. Báo cáo đánh giá về xu hướng mới trong ngành TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam của Amazon Global Selling nhận định, TMĐT xuyên biên giới đã và đang trên đà phát triển, nhất là từ năm 2020 đến nay, cùng với sự dịch chuyển của xu hướng tiêu dùng, TMĐT xuyên biên giới trở thành trạng thái “bình thường mới”.

Thay vì sử dụng mô hình xuất khẩu truyền thống bao gồm nhiều thủ tục phức tạp, TMĐT xuyên biên giới giúp DN Việt Nam tối ưu hóa quy trình xuất khẩu và tiếp cận khách hàng quốc tế một cách trực tiếp; giảm thiểu những khoản đầu tư vào cửa hàng truyền thống, chi phí tìm kiếm và tiếp cận khách hàng mới, cũng như thúc đẩy khách hàng truy cập các trang web của thương hiệu...

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, hiện nay có 15 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động TMĐT xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế, với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Các tập đoàn lớn như Google, Facebook, Microsoft... đã thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam. Số thu thuế từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, YouTube, Facebook tăng từ 46,86 tỷ đồng năm 2016 lên tới 1.010 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2020, số thu thuế từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới đạt 1.143 tỷ đồng...

Khuôn khổ pháp lý và nghĩa vụ thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới

Trước thực tế hoạt động TMĐT xuyên biên giới đang gây ra những vấn đề băn khoăn trong cộng đồng DN, nhất là về nghĩa vụ đóng thuế đối với ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm hạn chế những lỗ hổng liên quan đến hoạt động TMĐT xuyên biên giới.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5/12/2020. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Nghị định này sẽ là công cụ để siết chặt hơn thuế TMĐT xuyên biên giới.

Điều 26, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định, Bộ Công Thương và cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động TMĐT, nhượng quyền thương mại, nội dung thông tin giấy phép hoạt động TMĐT, nhượng quyền thương mại, thông tin liên quan trong quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT, nhượng quyền thương mại.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế; phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Việc thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài khi có giao dịch thanh toán tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan...

Theo Khoản 3, Điều 30, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (nhà cung cấp ở nước ngoài) như sau:

- Nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

- Tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đáng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài cho NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.

- Trường hợp cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài có thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thể thực hiện khấu trừ, nộp thay thì NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

- Hàng tháng NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm kê khai, nộp vào  NSNN số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Nhằm hướng dẫn triển khai các quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, ngày 25/2/2021, Bộ Tài chính đã có Công văn số 1914/BTC-TCT lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Theo dự thảo Thông tư, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam thì được xác định là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Ngoài việc nộp thuế trực tiếp thì các DN này có thể nộp qua mạng. Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Nhà cung cấp ở nước ngoài được đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử, đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản giao dịch điện tử vào thư điện tử của người nộp thuế để thực hiện khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Nhà cung cấp ở nước ngoài hoặc tổ chức, đại lý thuế được ủy quyền thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do cơ quan quản lý thuế trực tiếp cấp và gửi vào địa chỉ thư điện tử đã đăng ký với cơ quan thuế.

Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc bằng VND vào tài khoản thu NSNN theo hướng dẫn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Trong đó, đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi. Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam, thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về thuế (đăng ký, kê khai, nộp thuế) theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài.

Một số vấn đề đặt ra

Hoạt động TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết đối với công tác quản lý thuế đối với hoạt động này thời gian tới, cụ thể:

Một là, công tác quản lý thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới hiện nay cũng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong khi ý thức tuân thủ pháp luật thuế của một bộ phận kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua mạng xã hội chưa cao.

Hai là, tiếp tục kiểm tra, rà soát nghĩa vụ đóng thuế của các DN cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới ở Việt Nam. Việc thu thuế của các nền tảng TMĐT, dịch vụ số xuyên biên giới đã được cải thiện trong thời gian gần đây nhưng số thu chưa phản ánh được thực tế hoạt động kinh doanh này, nhất là các giao dịch phát sinh đối với các cá nhân.

Ba là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới. 

Bốn là, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là tiếp tục xác định, công bố tên, địa chỉ trang web của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho ngân hàng để thực hiện khấu trừ thuế. Cơ quan Thuế đang thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu như phối hợp với cơ quan Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để xác định nhân thân người nộp thuế. Cùng với đó, tiếp tục thu thập dữ liệu của các NHTM, công ty vận chuyển trung gian, hàng hóa, các ví điện tử, đối chiếu xác minh và sẽ làm việc với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT nhằm hướng dẫn việc kê khai và nộp thuế.

Năm là, tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.        

Tài liệu tham khảo:

1. Vũ Duy Nguyên (2020), Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới hậu Covid-19 và gợi mở chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2 - Tháng 6/2020;

2. Chánh Trung (2021), Thu thuế các nền tảng số xuyên biên giới có gì mới?, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn;

3. Duy Vũ (2020), Thuế thu của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa phản ánh thực tế kinh doanh, ICT News;

4. Hà Thanh (2020), Nền tảng trực tuyến xuyên biên giới: Doanh thu nghìn tỷ vẫn chưa nộp thuế, Báo Kinh tế & Đô thị;

5. Thúy Hằng (2020), Thương mại điện tử xuyên biên giới: Còn nhiều khoảng trống, Báo Đại đoàn kết;

6. Minh Hải (2020), Thương mại điện tử xuyên biên giới là trạng thái "bình thường mới" tại Việt Nam, Báo Đầu tư điện tử.