Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2021

Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 trong khu vực Ðông Nam Á. Dự kiến, đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, hoạt động gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử cũng tăng lên đáng kể cả về quy mô và số vụ. Bài viết trao đổi về thực trạng buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử tại Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới.

Thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Theo Sách Trắng TMĐT, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của tử TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô khoảng 15 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online. Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển TMĐT, với tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 trong khu vực Ðông Nam Á.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn tác động xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng... Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, với sự phát triển bùng nổ của TMĐT, hoạt động gian lận thương mại trên các sàn TMĐT cũng tăng nhanh chóng cả về quy mô và số vụ. Trong thời gian gần đây, có không ít mạng xã hội, ứng dụng TMĐT đang bị các đối tượng lợi dụng những kẽ hở trong quy định pháp luật và quản lý của các cơ quan chức năng để buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả.

Theo thống kê, chỉ tính riêng quý III/2020, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 63.100 vụ việc vi phạm, thông qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước đạt gần 4.400 tỷ đồng, khởi tố 369 vụ. Đặc biệt, truy thu gần 14 tỷ đồng thuế từ thu nhập qua Facebook, Google, Youtube…

Tình trạng gian lận thương mại trên các sàn TMĐT hiện đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử. Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn TMĐT cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản.

Một số giải pháp đề xuất

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT xu hướng tăng mạnh có nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên, liên tục; năng lực, chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực TMĐT của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế; nhận thức, kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng chưa cao, chưa biết cách để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình...

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng trên, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho Nhà nước, hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 9/10/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Tại Kế hoạch này, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra theo hướng đồng bộ, toàn diện với mục tiêu hạn chế những tiêu cực, có ảnh thể ảnh hưởng đến môi trường TMĐT vốn đang mang lại nhiều ích lợi ích to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Về nhiệm vụ giải pháp chung

Nhằm góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững, trong thời gian tới, cần quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nêu tại Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cụ thể:

Một là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam đã được nêu tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT. Đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện. Xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hai là, tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về hoạt động TMĐT.

Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động TMĐT. Xây dựng các kế hoạch tuyên truyền theo các chuyên đề để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động TMĐT.

Bốn là, chú trọng nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên bổ sung kiến thức nghiệp vụ, cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ mới cho các lực lượng chức năng đáp ứng yêu cầu. Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, các website, mạng xã hội đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng, do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để hoạt động TMĐT vi phạm pháp luật nước Việt Nam.

Sáu là, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT; phát hiện, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật.

Về các giải pháp riêng

Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp chung, để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT, một số bộ, ngành liên quan cần triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của mình tại Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389, trong đó, tập trung một số nội dung sau:

- Đối với Bộ Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực TMĐT. Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực TMĐT. Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc bộ và các bộ, ngành, địa phương khác rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng TMĐT, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng thực trạng; kịp thời phát hiện, tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT.

Tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật, xây dựng các giải pháp tổng thể để bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan về đối tượng vi phạm liên quan đến hoạt động TMĐT; xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT để bảo vệ người tiêu dùng.

- Đối với Bộ Tài chính: Tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai các biện pháp xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động TMĐT. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp phối hợp với các lực lượng chức năng, các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng... để cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT. Tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT, có biện pháp truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế. Chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan khác đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT để cùng phối hợp xử lý kịp thời.

- Đối với Bộ Công an: Chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, lực lượng Công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng khác chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình vi phạm, tội phạm lợi dụng TMĐT để hoạt động; kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước chuyên ngành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi lợi dụng TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (2020), Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 9/10/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử;

2. Gian lận thương mại tăng theo tốc độ phát triển thương mại điện tử;

3. Anh Minh (2020), Tăng cường chống buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;

4. Quốc Bình (2020), Chống buôn lậu trên môi trường thương mại điện tử, Báo Nhân dân điện tử;

5. Tố Uyên (2020), Đẩy lùi vấn nạn gian lận trên thương mại điện tử, Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử;

6. Vấn đề gian lận trong thương mại điện tử hiện nay, truy cập từ link: https://baohothuonghieu.com/banquyen/tin-chi-tiet/van-de-gian-lan-trong-thuong-mai-dien-tu-hien-nay/1371.html.