Nghịch cảnh tăng trưởng lợi nhuận đột biến

Theo Đầu tư Chứng khoán

Theo thống kê sơ bộ, khoảng 86 DN niêm yết đã công bố lợi nhuận quý III/2012 tăng đột biến so với cùng kỳ. Đây có là tin vui cho cổ đông và nhà đầu tư?

Nghịch cảnh tăng trưởng lợi nhuận đột biến

Trong nhóm này, có 25 đơn vị, chiếm 29%, có lợi nhuận tăng hơn 500%. Có thể kể ra những trường hợp có mức tăng trưởng choáng ngợp như CTCP Hàng hải Sài Gòn (SHC, tăng 23.800% so với cùng kỳ), CTCP Thủy điện Nậm Mu (HJS, tăng 12.920% so với cùng kỳ), CTCP SMT, Cao su Miền Nam (CSM), VKC, S91... đều có mức tăng hơn 2.000% (xem thêm bảng).

Nghịch cảnh tăng trưởng lợi nhuận đột biến - Ảnh 1

Lợi nhuận thấp

Xem xét 86 DN có lợi nhuận quý III/2012 tăng hơn 100% so với cùng kỳ, chỉ 20 công ty có mức lãi từ chục tỷ đồng trở lên. DN có lãi cao nhất trong nhóm này là Hòa Phát (HPG) với 288,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kế tiếp là CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM) với lợi nhuận 76,81 tỷ đồng; CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) với lợi nhuận 60,91 tỷ đồng; CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC) với 59,06 tỷ đồng lợi nhuận; CTCP Xuyên Thái Bình Dương (PAN) lãi 55,7 tỷ đồng.

Đáng nói là, đa số những cái tên đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất lại không phải là DN có lợi nhuận sau thuế cao. Chỉ 6 DN trong tốp có mức lãi tăng trên 500% có lợi nhuận sau thuế hàng chục tỷ đồng, còn lại chỉ vài tỷ đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng. Thậm chí, CTCP Hàng hải Sài Gòn (SHC) lại là quán quân về mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý III vừa qua.

Theo giới phân tích, kết quả kinh doanh của DN những năm trước tồi tệ, thậm chí thua lỗ nên năm nay, dù DN chỉ đạt mức lãi rất thấp thì vẫn cho kết quả tăng trưởng “khủng”. Lấy trường hợp SHC, cùng kỳ năm ngoái, đơn vị này chỉ lãi hơn 8 triệu đồng; 2 năm trước đó, SHC đều có kết quả kinh doanh lỗ. Do đó, mức lãi 2,39 tỷ đồng trong quý III/2012 của SHC đã giúp Công ty dẫn đầu nhóm DN có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất.

Trong danh sách 86 DN có mức tăng trưởng cao nhất, duy nhất PAN có mức EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) trong quý hơn 4.000 đồng/CP và cũng chỉ có 11 DN có mức EPS trên 1.000 đồng/CP, còn lại là các DN có EPS vài trăm đồng hay vài chục đồng. Thậm chí, CTCP Hóa chất Việt Trì (HVT), CTCP PIV (PIV), CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) chỉ có EPS vài đồng. Đây là kết quả mà nhà đầu tư không thể vui nổi.

Tăng trưởng bấp bênh

Trong số các DN có lãi tăng đột biến, không thiếu đơn vị có doanh thu suy giảm. Đơn cử, mức suy giảm doanh thu trong quý III/2012 của CTCP Ôtô TMT (TMT) là 49%, dù lãi tăng hơn 528,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, vì mức lãi tuyệt đối thấp, chỉ hơn 7 tỷ đồng, nên không đủ bù đắp cho những khoản thua lỗ từ các quý trước. Kết quả, lũy kế 9 tháng 2012, TMT lỗ 11,6 tỷ đồng.

Ngoại trừ một số DN như Gỗ Trường Thành (TTF), Dầu khí An Pha (ASP) tăng trưởng lợi nhuận nhờ giảm được giá vốn hàng bán cũng như các chi phí lãi vay, chi phí quản lý thì không ít DN như Hữu Liên Á Châu (HLA), SHC lại có lãi tăng đột biến nhờ nguồn thu từ hoạt động thanh lý tài sản, thoái vốn khỏi các công ty liên doanh, liên kết.

DN trong vòng bất an

Trong số DN tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong quý III, xuất hiện cả những cái tên có những vấn đề đáng lo ngại. Chẳng hạn, CTCP Thủy điện Nậm Mu (HJS) đang có nợ ngắn hạn vượt tổng tài sản ngắn hạn. Cuối quý III/2012, chỉ số thanh toán ngắn hạn của HJS chỉ còn 0,29 lần. Riêng vấn đề của Tập đoàn Hoàng Long (HLG) là chi phí đầu vào tăng cao, làm giá vốn hàng bán tăng đến gần 40%, dẫn đến lãi gộp của HLG giảm. Ngoài ra, chi phí lãi vay của HLG cũng đã tăng 31% so với cùng kỳ.

Đích đến còn xa

Dù đạt mức tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, nhưng tại nhiều DN, điều này không giúp DN tiệm cận với kế hoạch lợi nhuận cả năm. Có mức tăng trưởng lợi nhuận 130% so với cùng kỳ, nhưng đến cuối quý III/2012, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy chỉ mới đạt 16% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Ở CTCP Khoáng sản Bình Thuận, mức hoàn thành kế hoạch năm đến cuối quý này mới chỉ là 15%. Đặc biệt, CTCP Tập đoàn FLC cũng chỉ mới đi được 3% chặng đường cần đi.