Nghịch lý giá bất động sản vùng ven tăng cao hơn khu vực trung tâm
Đầu năm 2022, giá đất vùng ven có xu hướng tiệm cận giá đất khu vực trung tâm sau khi các thông tin quy hoạch được công bố.
Đó là ghi nhận tại Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 của Viện nghiên cứu thị trường Dat Xanh Services - Tập đoàn Đất Xanh. Theo Dat Xanh Service, sau khi có thông tin quy hoạch, các dự án nằm cách khu vực trung tâm 10 km ghi nhận tốc độ tăng giá từ 10 - 15%, các dự án nằm cách khu vực trung tâm 20 km ghi nhận tốc độ tăng giá 38%, các dự án nằm cách khu vực trung tâm 30 km ghi nhận tốc độ tăng giá từ 35%, các dự án nằm cách khu vực trung tâm 20 km ghi nhận tốc độ tăng giá từ 28%.
Trong đó, thị trường ven Hà Nội, cụ thể là Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, một dự án đô thị lớn tại Hưng Yên đã chiếm đến 69% nguồn cung căn hộ mới cho toàn thị trường khi mở bán với số lượng lớn tương đương 1.000 sản phẩm, với tỷ lệ hấp thụ cao đến 90%.
Giá căn hộ và nhà liền thổ có xu hướng tăng nhẹ, từ 2 - 5% so với quý trước. Tỷ lệ hấp thụ lũy kế bình quân thị trường nằm trong mức khả quan trên 70%, với đa số dự án đang giao dịch đã được mở bán từ các năm trước.
Ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, 2 năm qua, thị trường bất động sản xa trung tâm Hà Nội phát triển rất mạnh, tỷ lệ tăng giá xa trung tâm tăng tốt hơn với tại trung tâm.
Với các bất động sản xa trung tâm Hà Nội có các loại: Bất động sản tại các thành phố công nghiệp ví dụ như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên... tăng giá nguyên nhân đầu tiên là FDI đầu tư vào phía Bắc tăng trưởng mạnh mẽ, đây là hệ quả từ chiến tranh thương mại, từ dịch bệnh COVID - 19.
Không những vậy, chủ trương thu hút FDI của Việt Nam ngày càng cởi mở, nhiều ưu đãi. Điều này cũng kéo theo dân cư đổ về đất ven khu công nghiệp rất lớn, nhu cầu nhà ở, nhu cầu đầu tư bất động sản tăng cao và dẫn đến giá nhà đất tăng.
Bên cạnh đấy, sự kết nối về hạ tầng vô cùng tốt, giao thông liên tỉnh được xây dựng đồng bộ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của bất động sản.
"Bất động sản tại phía Bắc hiện có giá hợp lý và thấp hơn khu vực phía Nam, do đó việc tăng giá của bất động sản là hoàn toàn hợp lý với nhu cầu và với mức sống của người dân" - ông Quyết nói.
Trên thực tế, như Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin, thị trường bất động sản khu vực ven Thủ đô đã liên tục chứng kiến những cơn sốt ăn theo hạ tầng. Trong đó, năm 2021, các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên đều nóng lên vì đất.
Điển hình như tại Bắc Giang, trong những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản được dịp "lên đồng". Báo cáo quý I/2021 của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, Bắc Giang trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn khiến lượng quan tâm tăng đến 256% so với quý IV/2020.
Cơn sốt đất "nguội" đi khi dịch bệnh "ghé thăm" tỉnh này. Song đến cuối năm 2021, thị trường bất động sản Bắc Giang vẫn là điểm “nóng”. Thể hiện qua việc các phiên đấu giá thu hút lượng nhà đầu tư đông như trẩy hội, giá trúng cao đến hơn 2 lần so với mức giá khởi điểm. Cùng với đó, giá đất gần khu công nghiệp tiếp tục tăng “phi mã”, có những mảnh đã tăng lên tới 30%, chỉ trong vài ngày.
Hay tại Bắc Ninh, thông tin mới đây từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, giá đất đấu giá đỉnh điểm trên địa bàn tỉnh ở ngưỡng 30 triệu đồng/m2, tại các tuyến đường kinh doanh sầm uất giá lên tới 200 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù lượng giao dịch và giá đất nền tăng mạnh, nhưng giao dịch chủ yếu là hoạt động mua đi bán lại, lượng sản phẩm mới rất hạn chế. Có hiện tượng các môi giới và một số nhà đầu tư thổi giá, lướt sóng.
Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cũng nhìn nhận ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Bắc Giang phát triển chưa lành mạnh. Bởi thời gian qua, một số nhóm môi giới bất động sản lập nhiều trang web, đưa lên các hội, nhóm Facebook, mạng xã hội thông tin mời gọi người dân tham gia đặt cọc giữ chỗ, để giữ phần đất định mua và khi nào dự án đủ điều kiện sẽ bán cho người dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cảnh báo, đối với những thị trường bất động sản tỉnh lẻ ven Hà Nội ở thời điểm hiện tại trước khi đầu tư đất nền cần phải hết sức lưu ý vì trong mấy tháng đầu năm đã xảy ra tình trạng “sốt ảo”, nhiều nhà đầu tư đã "ôm hận".
"Bởi khi “sốt ảo” giá đất bị đẩy lên quá mức nên nếu đầu tư lúc này chỉ có thua thiệt" - ông Đính nhấn mạnh.