Nghiêm cấm giữ lại trụ sở cũ khi đã có trụ sở mới

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Là yêu cầu trong Dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, công sở do Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ, nhằm khắc phục tình trạng nhiều cơ quan đã được đầu tư xây dựng mới nhưng vẫn giữ lại cơ sở nhà, đất cũ.

Tránh tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần không ra”

Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay còn nhiều cơ quan gặp khó khăn về nơi làm việc, phải đi thuê thêm diện tích làm việc, một số cơ quan phải di chuyển theo quy hoạch.

Trong khi đó, một số cơ quan đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ lại cơ sở nhà, đất cũ, làm cho công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp chưa hiệu quả, gây lãng phí đất đai, tài sản.

Để khắc phục tình trạng trên, Dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, công sở do Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.

Dự thảo nêu rõ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố  phải chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình khẩn trương thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg.

Hạn cuối cùng đến 31/12/2014 phải hoàn thành xong việc trình phương án tổng thể để đến 30/6/2015 hoàn thành việc phê duyệt phương án tổng thể xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Đồng thời, chỉ đạo tiến hành ngay việc rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kiên quyết xử lý thu hồi đối với các trường hợp cho thuê, cho mượn, để trống, sử dụng vượt tiêu chuẩn, định mức...

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Ban chỉ đạo 09 (ban sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước) của địa phương (đối với địa phương có Ban chỉ đạo), hoặc Sở Tài chính (đối với các địa phương không có Ban chỉ đạo) phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương trong việc kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất, báo cáo UBND tỉnh, thành phố có ý kiến bằng văn bản về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị;

Phối hợp thực hiện phương án xử lý nhà, đất sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý (xác định giá bán, chuyển nhượng; cưỡng chế thu hồi; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...).

Nghiêm cấm việc giữ lại trụ sở cũ

Dự thảo Chỉ thị khuyến khích việc hình thành, xây dựng các khu hành chính tập trung.

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng trụ sở làm việc mới về diện tích đất, diện tích nhà và các trang thiết bị gắn kèm với nhà, công trình.

Các cơ quan, đơn vị được đầu tư xây dựng trụ sở mới, khi hoàn thành việc xây dựng và chuyển ra trụ sở mới, phải bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho Bộ Tài chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án xử lý (đối với các bộ, ngành)

Với các cơ quan thuộc địa phương, phải bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho cơ quan tài chính để trình chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định phương án xử lý.

Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc để sử dụng, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho đơn vị khác (kể cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý) khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm tra định kỳ tình hình đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc; chủ động xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến quản lý, sử dụng trụ sở, công sở, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.