Học cách thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong tháng Ba này, 14 nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất tham dự chương trình Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học sẽ sang Vương quốc Anh học hỏi về thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu như thế nào để thực hiện và chia sẻ cho cộng đồng các nhà khoa học trong nước thực hiện, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia. Đây là những bước đi đột phá đầu tiên trong việc mở cánh cửa ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu, để tiếp thu kinh nghiệm quản trị và phát triển, thương mại hóa các sản phẩm KHCN.

Học cách thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu
Việt Nam hiện đang thiếu hệ thống hỗ trợ, hệ sinh thái cho khởi nghiệp như các tổ chức; các quỹ đầu tư. Nguồn: internet

Thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp

Lâu nay, thực trạng Nhà nước chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng rất ít kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất hay trở thành sản phẩm thương mại trên thị trường vẫn là niềm trăn trở của những người quản lý khoa học, công nghệ (KHCN) và người làm KHCN chân chính. Doanh nghiệp và nhà khoa học chưa có được mối liên kết đáng ra cần phải có.
 
Trong khi nhà nghiên cứu thì không biết được doanh nghiệp, thị trường đang thực sự cần gì nên các kết quả nghiên cứu hay nhưng thiếu tính thực tế, thiếu kinh phí hoàn thiện các sản phẩm nên còn chậm một nhịp với guồng quay thương mại; nhà doanh nghiệp thì lại chưa đủ tin tưởng vào năng lực của các nhà khoa học, chưa mạnh dạn đầu tư mạo hiểm nên chủ yếu vẫn sử dụng công nghệ tầm trung và tầm thấp nhập khẩu từ bên ngoài.
So sánh từ kinh nghiệm của các nước có nền KHCN phát triển và Việt Nam, các chuyên gia đã chỉ ra một trong những hạn chế dẫn đến thực trạng kể trên là do Việt Nam đang rất thiếu hệ sinh thái cho khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Thiếu các tổ chức trung gian làm vai trò cầu nối, điều tiết và hài hòa nhu cầu, lợi ích giữa cung và cầu KHCN. Đó là các trung tâm chuyển giao công nghệ, mô hình vườn ươm KHCN hỗ trợ nhà khoa học hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ của mình để có thể thương mại hóa, định giá công nghệ, kết nối với doanh nghiệp và kết nối các bài toán nhằm giải quyết các vấn đề trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tới các nhà khoa học.

Theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) Phạm Hồng Quất, Việt Nam hiện đang thiếu hệ thống hỗ trợ, hệ sinh thái cho khởi nghiệp như các tổ chức; các quỹ đầu tư; các nhà tư vấn; các câu chuyện thành công; những người thành đạt giúp đỡ người đi sau chưa trở thành một thói quen, một hệ thống; khu vực nghiên cứu giữa doanh nghiệp và nhà nước chưa liên kết chặt chẽ nên nguồn lực bị xé nhỏ, rời rạc. Cần phải nhân rộng một tư duy mới là làm sao những nguồn lực trong xã hội, cả nhà nước và tư nhân liên kết được, tập trung nghiên cứu đến khâu cuối cùng; làm sao để nhà khoa học phải làm giàu được bằng các sản phẩm của mình chứ không phải chỉ kiếm tiền từ các đề tài, dự án. 
 
Quá trình sửa đổi chính sách KHCN thời gian qua đã được những người có trách nhiệm nỗ lực thực hiện, tuy nhiên, hiện nhiều chính sách hỗ trợ các trung tâm chuyển giao công nghệ, các vườm ươm công nghệ, các quỹ đầu tư cho KHCN của Nhà nước vẫn còn đang chờ đợi thông tư hướng dẫn, mặc dù các Nghị định có thể đã được ban hành được vài năm rồi.
 
Những người tiên phong cho một hy vọng lớn
 
Làm thế nào để có thể khơi nguồn, mở lối cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, thúc đẩy việc thương mại hóa các sản phẩm KHCN là trăn trở của lãnh đạo NATEC. Ngay khi biết được thông tin Quỹ Newton của Vương quốc Anh triển khai chương trình Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu cho các nước đang phát triển, NATEC đã kết nối với Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh cùng xây dựng chương trình Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học.
 
Chỉ sau 2 tuần thông báo, Ban tổ chức đã nhận được hơn 60 hồ sơ đăng ký tham dự. Qua các vòng tuyển chọn, phỏng vấn, ban tổ chức đã lựa chọn được 14 hồ sơ xuất sắc nhất tham dự chương trình. Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thị trường KHCN, NATEC Nguyễn Văn Trúc, các nhà nghiên cứu tham gia chương trình phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu có sản phẩm, công nghệ hoặc dịch vụ sáng tạo, dựa trên nền tảng nghiên cứu kỹ thuật, có tiềm năng thương mại hóa và đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh. Trong đó, ưu tiên các nhà khoa học có tư duy doanh nhân, có tâm huyết đưa công nghệ vào doanh nghiệp, thương mại hóa ý tưởng sáng tạo. Qua khóa học, góp sức lan tỏa tư duy doanh nhân cho các nhà khoa học Việt Nam. Ban tổ chức hy vọng, sau chuyến đi về có từ 3 - 5 sáng chế được thương mại hóa.
 
Chương trình được thiết kế gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 tập huấn tại Vương quốc Anh dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh. Các học viên sẽ được học các kiến thức và kỹ năng về mô hình kinh doanh KHCN, phát triển và thuyết phục khách hàng, dựa trên kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp Vương quốc Anh. Thảo luận các hình thức kinh doanh công nghệ mới và các yếu tố thành công để đưa các nhà đổi mới tiếp cận thị trường. Các học viên cũng sẽ có cơ hội tham vấn, thực hành và kết nối với các chuyên gia và mạng lưới doanh nghiệp khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm. Bên cạnh đó, các học giả sẽ có cơ hội thực hành phương án kinh doanh của họ dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia cố vấn.
 
Giai đoạn 2, các khóa tập huấn bổ sung và hoạt động kết nối tại Việt Nam dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của NATEC nhằm hoàn thiện kế hoạch kinh doanh phù hợp với chính sách và điều kiện của Việt Nam. Trong đó, những đại sứ tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo của Việt Nam sang Vương quốc Anh lần này sẽ kể ngay câu chuyện còn đang nóng, những kinh nghiệm thành công và thất bại trong quá trình thương mại hóa sản phẩm KHCN với các nhà nghiên cứu có sản phẩm có khả năng thương mại hóa cùng học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ các mối quan hệ để hoàn thiện sản phẩm và mở ra cơ hội hợp tác mới.
 
Rất tin tưởng vào đội ngũ các nhà khoa học trẻ tham dự chương trình lần này, Cục trưởng Phạm Hồng Quất chia sẻ, đây là bước đột phá đầu tiên của Cục trong việc mở cánh cửa ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu, để tiếp thu kinh nghiệm quản trị và phát triển, thương mại hóa các sản phẩm KHCN. Trên cơ sở hợp tác song phương, đây là lần đầu tiên Bộ KHCN, NATEC có sự hợp tác, nhằm vào khâu cuối cùng của chuỗi nghiên cứu. Thông qua khóa học, bằng mối quan hệ giữa các cá nhân tham gia khóa học, giữa NATEC và Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh, sẽ nhân bản các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp KHCN nhỏ và vừa của Việt Nam với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tên tuổi của nước Anh, châu Âu và đằng sau họ là thị trường và nguồn vốn đầu tư. Theo biên bản ghi nhớ giữa hai bên, sẽ có ít nhất 5 khóa học được phối hợp tổ chức, qua đó sẽ có rất nhiều các mối quan hệ, mà các nhà khoa học của chúng ta hiện đang rất thiếu. 
 
Là một trong 14 nhà khoa học được lựa chọn tham gia khóa học đầu tiên này, Ts kinh tế Trần Văn Bình (Viện Kinh tế và Quản lý, ĐH Bách khoa Hà Nội) ấp ủ mong muốn tham dự khóa học với ý tưởng tạo ra một hệ sinh thái để phát triển tinh thần khởi nghiệp ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Xuất phát từ thực tế, hiện nhiều thầy cô, sinh viên trong trường có ý tưởng và sản phẩm, có thầy cô có sáng chế đã được đăng ký nhưng vẫn loay hoay không biết làm thế nào để thương mại hóa sản phẩm của mình. Ts Trần Văn Bình dự định, tham gia khóa học sẽ tìm hiểu cách thức phát triển vườn ươm KHCN tại Anh quốc và châu Âu, đặc biệt là tại hai trường Đại học Oxford và Cambridge; tìm hiểu mối quan hệ giữa nhà khoa học, nhà đầu tư và Nhà nước như thế nào; làm thế nào để tìm được các nguồn vốn để các vườn ươm có thể phát triển bền vững.
 
Cục trưởng Phạm Hồng Quất cho biết thêm, qua khóa học dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp đi Isarel do Cục tổ chức mới đây đã mang về nhiều kết quả về không khí khởi nghiệp, cách làm khởi nghiệp của nước bạn và qua đó tiếp tục khẳng định rằng trí tuệ, sản phẩm công nghệ của Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tới đây, Cục cũng sẽ đứng ra tổ chức Hội chợ công nghệ mới (Freshtech) để có nhiều nhà đầu tư mới, nhiều vườn ươm công nghệ trong khu vực châu Á và một số nước châu Âu gặp gỡ các nhà khoa học trẻ, các công ty KHCN nhỏ và vừa của Việt Nam.