Quyết tâm xử lý “nợ xấu” văn bản

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Tình trạng nợ đọng văn bản đang trở thành "nợ xấu", nhiều văn bản quy định chi tiết tuy đã được ban hành nhưng chậm tiến độ, chưa bảo đảm đã gây những hệ lụy, làm giảm khả năng đột phá thể chế.

Quyết tâm xử lý “nợ xấu” văn bản
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã tập trung vào 4 nhóm giải pháp để xử lý "nợ xấu" văn bản. Nguồn: internet
Vẫn “nợ” 50% văn bản hướng dẫn

Theo báo cáo “Tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013”, do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày sáng 22/10, trong số 46 luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tính đến nay, có 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành và 09 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực thi hành.

Tính đến ngày 15/10/2013, đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 73/131 văn bản (đạt 55,7%) quy định chi tiết, hướng dẫn 85/154 nội dung được giao. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 25/69 văn bản (36,2%) quy định chi tiết, hướng dẫn 63/126 nội dung được giao.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành 98/200 văn bản (đạt 49%) quy định chi tiết hướng dẫn 148/280 nội dung được giao.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, số văn bản chưa được ban hành là 102/200 văn bản (51%) quy định chi tiết 132/280 nội dung được giao (trong đó có 58 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 44 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ).

Đối với 9 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, mới chỉ có 1/42 văn bản đã ban hành để quy định chi tiết 03/83 nội dung được giao.

Điều đáng nói là tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được giải quyết cơ bản và vững chắc. Trong các năm 2011 và 2012, tình trạng nợ đọng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giảm mạnh so với những năm trước đây, song cùng với việc số lượng luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành lớn, trong đó những luật phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết (Bộ luật Lao động, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giáo dục đại học…) thì từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng nợ đọng văn bản đã tăng đột biến khi từ tháng 12/2012 (nợ 24 nghị định, quyết định) đến ngày 15/10/2013 (nợ 58 nghị định, quyết định) tăng 34 văn bản.

Trong đó, có luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết nào được ban hành, một số luật, pháp lệnh khác còn có số lượng lớn văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực (10 văn bản); Luật Xử lý vi phạm hành chính (28 văn bản); Luật Giáo dục đại học (13 văn bản).

Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy định chi tiết tuy đã được ban hành nhưng chậm tiến độ, chưa bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh. Điều này làm cho một số quy định của luật, pháp lệnh không được thực thi khi đã có hiệu lực, nhiều trường hợp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân đã được luật, pháp lệnh quy định.

Trong khi đó, việc đánh giá tác động; khảo sát, tổng kết thực tiễn; lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản; hoạt động thẩm định, thẩm tra chưa được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả dẫn đến việc để lọt nội dung không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, gây bức xúc trong dư luận.

Tình trạng luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chi tiết chưa được ban hành còn phổ biến. Chẳng hạn như Luật Giáo dục đại học có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013, nhưng tính đến ngày 15/10/2013 còn 06 thông tư, thông tư liên tịch chưa được ban hành.

Đã vậy, chất lượng lại chưa cao

Báo cáo Thẩm tra về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết chất lượng một số văn bản chưa cao, vẫn còn những nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể.

Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành quá lớn làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được thực thi, vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp.

Điều đáng buồn là nhiều văn bản quy định thiếu phân tích chính sách bài bản, thiếu nghiên cứu cụ thể, thiếu căn cứ thực tế, nên ngay cả cơ quan ban hành văn bản cũng thiếu tự tin, dẫn đến tình trạng “văn bản vội ban hành” rồi “vội phải bãi bỏ”.

Điển hình là Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT, ngày 4/7/2013 về việc sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong đó bổ sung đối tượng được ưu tiên là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Chỉ 12 ngày sau khi ban hành, ngày 16/7/2013, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư bãi bỏ quy định ưu đãi đối với các đối tượng này.

“Nợ xấu” văn bản thì làm sao đột phá về thể chế?

Đánh giá tính chậm trễ của việc ban hành văn bản pháp luật, tại phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bức xúc: “Khi sửa Điều 170 Luật Doanh nghiệp, Chính phủ thuyết phục Quốc hội rằng, không ban hành thì nhiều doanh nghiệp sẽ ngừng hoạt động hoặc vi phạm luật, khó khăn… nhưng đến khi ban hành xong thì lại để đấy đến nay cũng chưa ban hành được văn bản hướng dẫn”.

Nhìn nhận rằng, thiệt hại do việc ban hành văn bản chậm gây ra là rất lớn, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) thẳng thắn: “Chúng ta đã xác định ba khâu đột phá, trong đó có đột phá về thể chế nhưng với tình trạng nợ đọng văn bản nhiều đến vậy thì làm sao mà đột phá thể chế được?”.

Tuy nhiên, không đổ lỗi toàn bộ cho Chính phủ, ông Dũng cũng thừa nhận: “Chúng ta cứ kêu Chính phủ nhưng bản thân chúng ta khi bấm nút biểu quyết thông qua các luật, thì vẫn cứ đồng ý “giao Chính phủ quy định”. như thế thì Quốc hội cũng có lỗi”.

Quyết tâm giải quyết “nợ xấu” văn bản

Bức xúc về “nợ xấu” văn bản đã được gửi đến người đứng đầu Chính phủ tại phiên chất vấn chiều 21/11/2013.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận, tình hình nợ các văn bản, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thi hành luật, pháp lệnh đã diễn ra từ rất nhiều năm rồi. Nhưng từ năm 2012, Chính phủ đã nhận thấy hạn chế yếu kém này, tập trung sức khắc phục, đến cuối năm còn nợ 27 văn.

“Tuy là nợ thấp nhất so với 10 năm trước, nhưng vẫn còn nợ đây vẫn còn là một khuyết điểm, một hạn chế yếu kém của hoạt động Chính phủ”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng cho biết, nếu so với năm 2012 nợ 27 văn bản, thì năm 2013 này số văn bản lại tăng gấp đôi so với năm 2012 vì tới 38 luật và pháp lệnh, mà đã ban hành được 110 còn lại 19 văn bản.

“Tôi yêu cầu là phải thúc đẩy để ban hành tất cả những văn bản còn lại, nhưng mà qua kiểm tra các đồng chí báo với tôi là cơ bản ban hành song nhưng mà không thể hết vì trong 19 cái này có những cái rất là khó ban hành và nó cũng chưa thật là cấp bách”, Thủ tướng cho biết.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định: “đã hết sức cố gắng và sẽ cố gắng với tinh thần không còn tình trạng nợ đọng.

Về chất lượng ban hành văn bản, Thủ tướng cho biết, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số quy định khi ban hành không phù hợp với cuộc sống, thiếu tính khả thi.

Để có thể giải quyết “nợ xấu” văn bản, Thủ tướng cho biết, đã tập trung vào 4 nhóm giải pháp. Cụ thể là:

Thứ nhất, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, coi đây là kỷ luật, kỷ cương việc thi hành pháp luật, từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng được phân công, cho đến các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng dự án luật, pháp lệnh để trình Quốc hội theo chương trình làm luật của Quốc hội, soạn thảo, xây dựng, ban hành nghị định, quy định ở phạm vi phân công phụ trách, chịu trách nhiệm về vấn đề này. Vừa qua chúng tôi đã đề cao việc này cho nên đẩy nhanh được việc ban hành các nghị định quy định.

Thứ hai, Chính phủ thấy nguyên nhân trong việc chậm trễ này là đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác pháp luật, xây dựng văn bản pháp quy. Vì vậy, tất cả các bộ hiện nay Chính phủ đều cho xây dựng, hình thành vụ pháp chế, thu hút những cán bộ am hiểu về pháp luật để giúp lãnh đạo, giúp đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng làm tốt hơn công tác xây dựng quy định pháp luật.

Thứ ba, rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, cắt bớt những quy trình, thủ tục làm kéo dài nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ.

Thứ tư, khắc phục là tư tưởng, chính sách khi xây dựng, ban hành một luật, nghị định nào đó mà tư tưởng chính sách chưa rõ ràng, giải pháp chủ yếu chưa thống nhất thì soạn thảo rất khó khăn, ý kiến đi ý kiến lại bổ sung lên bổ sung xuống thì sẽ kéo dài.

“Với 4 hướng như thế và đã thực hiện trong năm 2013 tôi tin rằng theo tinh thần này việc khắc phục nợ đọng văn bản, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thi hành luật, pháp lệnh, xây dựng các dự án Luật pháp lệnh để trình Quốc hội, chất lượng văn bản pháp quy cũng sẽ từng bước được khắc phục, nâng lên”, Thủ tướng khẳng định.