Tái cấu trúc nền kinh tế: Vướng về nhân sự

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Để trở thành thành viên của TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương), một trong những yêu cầu đặt ra đối với các nước thàm gia đàm phán là phải cải cách các công ty, tập đoàn quốc doanh để chúng hoạt động theo quy luật thị trường, giảm sự kiểm soát của Nhà nước... Nhìn vào nội tại của nước ta hiện nay, dường như đây đang trở thành một yêu cầu hóc búa.

Tái cấu trúc nền kinh tế: Vướng về nhân sự
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nguồn: internet
Lừng khừng thoái vốn

Tại buổi họp báo quý III/2013 diễn ra mới đây, nói về lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Vietnam (PVN) Phùng Đình Thực cho hay, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Petro Vietnam hiện đang gặp phải một số khó khăn do tình hình chung của nền kinh tế. Bên cạnh phải đảm bảo mục tiêu về thời gian, tập đoàn cũng phải hạn chế tối đa những bất cập của công tác thoái vốn, trong đó có việc bảo toàn vốn.

Đặc biệt, khoảng 20% số vốn đầu tư ngoài ngành của PVN đang nằm trong Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) được vị lãnh đạo tập đoàn này cho biết, đến nay vẫn chưa thực hiện được, mặc dù kế hoạch thoái vốn đã được lên từ rất lâu. "Lộ trình thoái vốn khỏi ngân hàng này cũng như là các đơn vị khác còn phải tùy thuộc vào thị trường cũng như việc tìm kiếm đối tác để bán lại cổ phần đó” – lãnh đạo PVN phân trần.

PVN không chỉ là tập đoàn kinh tế duy nhất vẫn còn đang lừng khừng với mục tiêu thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà có thể điểm tên hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước (DNNN, tập đoàn, tổng công ty đang rất lúng túng với mục tiêu này. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một ví dụ cụ thể của sự chậm chạp, ì ạch trong việc thoái vốn.

Theo báo cáo của tập đoàn này, hiện đã thoái vốn trị giá 1.079 triệu đồng tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Nha Trang. Song, vốn ở  Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực và Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina… thì vẫn còn chỉ đang ở ngưỡng "rục rịch” trong khi kế hoạch thoái vốn cũng đã được chuẩn bị từ khá lâu. Và dường như, các tập đoàn, tổng công ty "con cưng” của Nhà nước đều mắc chung một nhược điểm: Đó là đổ vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài ngành thì dễ nhưng khi buộc phải rút chân ra thì khó.

Thử thách khi hội nhập

Theo giới chuyên gia, chính sự ì trệ trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành cộng với lộ trình tái cơ cấu DNNN, tập đoàn, tổng công ty vẫn đang ở giai đoạn… khởi điểm, sẽ trở thành "cái gai” gây ra những khó khăn lớn của Việt Nam trong việc tham gia vào TPP.

Tham gia vào tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương, Việt Nam sẽ phải đáp ứng được một trong những yêu cầu, đó là phải cải cách các công ty, tập đoàn quốc doanh để chúng hoạt động theo quy luật thị trường, giảm sự kiểm soát của Nhà nước... Xem ra, đây quả thực là một thách thức lớn đối với Việt Nam khi mà số lượng các DNNN ở nước ta vẫn còn nhiều, và không ít trong số đó giữ vị  trí độc quyền, thống lĩnh nền kinh tế. 

Việc đầu tư không đúng chuyên ngành của các tập đoàn nhà nước đã tạo ra những mối quan hệ sở hữu phức tạp (như sở hữu chéo giữa DN với nhau, DN với ngân hàng, ngân hàng với DN) mà Nhà nước đôi khi không thể can thiệp mạnh tay. Và có một đặc điểm dễ nhận thấy, những sai phạm của các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty hiếm khi được xử lý một cách đến nơi đến chốn, nếu có chỉ là khiển trách hoặc kỷ luật nhẹ nhàng. Đây cũng chính là một trong những lý do gây ra những tồn tại, bất cập ở các DNNN hiện nay.

Bởi vậy, theo giới chuyên gia kinh tế, cải tổ, tái cấu trúc nền kinh tế trước hết phải tái cấu trúc, cải tổ được vấn đề nhân sự. Song, ngay cả việc thực hiện đầu tư thoái vốn ngoài ngành, những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty còn lo lắng sợ bị mất quyền, mất chức… thì không biết đến khi nào vấn đề cải tổ, cách cách nhân sự mới được thực hiện một cách triệt để.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn cho rằng: Vấn đề con người quyết định sự số phận của một DN. Khi mà chúng ta muốn cải cách DN nhưng vẫn với những con người cũ, tư duy cũ thì sẽ không bao giờ "thay máu” được DN đó.