Tìm "ẩn số" của nợ xấu

Minh Huệ

(Tài chính) Nợ xấu tính đến cuối tháng 4/2014 đã hơn 4%? Tại sao nợ xấu lại liên tiếp tăng trong những tháng đầu năm 2014, trong khi đây là thời điểm Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống ngân hàng đang nỗ lực giải quyết "điểm nghẽn" này? Có nhiều lý do được đưa ra, nhưng có một lý do quan trọng khiến nợ xấu tăng, đó là cách ứng xử với nợ xấu của chính các ngân hàng.

Tìm "ẩn số" của nợ xấu
Nợ xấu tính đến cuối tháng 4/2014 đã hơn 4%? Nguồn: internet

Theo số liệu của NHNN, tháng 1/2014, nợ xấu tăng trở lại và lên mức 3,74%, tháng 2 lên 3,86%, tháng 3 lên 3,93% và đến tháng 4/2014 đã chính thức vượt mốc 4% với 4,03%. Giải thích về sự "tăng trở lại" của nợ xấu, nhiều chuyên gia cho rằng vì doanh nghiệp (DN) khó khăn, vì Thông tư 09 bắt đầu có hiệu lực từ 1/6/2014...

Cách giải quyết nợ xấu "chưa thoát"

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, để trả lời câu hỏi tại sao nợ xấu tăng, thì nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao ngân hàng khó cho vay ra thị trường. "Thực tế, nền kinh tế không hấp thụ được vốn, dòng vốn không luân chuyển được, do vậy, DN không có tiền để trả nợ. Đấy chính là lý do nợ xấu tăng trở lại. Chỉ khi nào, nền kinh tế hấp thụ được vốn thì nợ xấu mới có chiều hướng giảm", ông Hùng bình luận.

Cùng quan điểm trên, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongABank, cho biết có nhiều lý do khiến nợ xấu tăng trở lại, đó là nợ xấu cũ và nợ xấu mới. Với nợ xấu cũ, do DN thu hẹp sản xuất kinh doanh nên không có khả năng trả nợ. Còn nợ mới, do kinh tế còn khó khăn, nên có DN làm ăn hiệu quả thì trả được nợ, còn có DN làm ăn không hiệu quả, tiền vay không đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà để trả nợ cũ nên cũng không có khả năng trả nợ.
Nhưng có một nguyên nhân quan trọng hơn, đó là các phân nhóm nợ theo 5 nhóm đã được siết lại bởi Thông tư 09. "Những khoản nợ đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại theo quy định cũ, nay bị lòi ra bởi áp dụng theo Thông tư 09 nên nợ xấu cũng tăng lên", ông Kiêm cho biết.

Đó cũng chính là lý do vì sao Vietinbank quyết định bán nợ xấu cho VAMC. Là ngân hàng cuối cùng trong số ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước quy mô lớn bắt tay vào xử lý nợ xấu, mới đây, Vietinbank vừa bán 1.200 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Động lực để Vietinbank bán nợ là do Thông tư 09 có hiệu lực từ ngày 1/6. Với quy định của thông tư này, thì tiền mua trái phiếu DN cũng được tính vào dư nợ. Vietinbank là một trong số các ngân hàng có tỷ lệ trái phiếu DN cao, tương đương 8,5% dư nợ trong khi của Vietcombank là 1,6% và BIDV là 4,7% tại thời điểm cuối 2013. Với việc bán đi 1.200 tỷ đồng cho VAMC, Vietinbank kỳ vọng giữ tỉ lệ nợ xấu dưới 3%.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những khoản nợ do khách quan mang lại và các TCTD có thể chuyển khoản nợ này sang cho VAMC xử lý. Còn những khoản nợ xấu "rất khó xử" của các ngân hàng mới chính là những "ẩn số" và tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, hiện công ty này vẫn đang mua nợ theo kế hoạch và ông không hiểu tại sao các ngân hàng lại bán nợ cho VAMC ít thế. Ông Hùng cho biết đến nay, vẫn chưa thấy ngân hàng nào bán nợ liên quan đến Tập đoàn Mai Linh. Có lẽ, những ngân hàng có cho công ty này vay đang kỳ vọng sự phục hồi thị phần trong lĩnh vực hoạt động chính là taxi của công ty này.

Khó xử với khoản nợ "rất xấu"

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013, tính đến thời điểm cuối năm 2013, các khoản nợ phải trả là xấp xỉ 4.700 tỷ đồng, chiếm 83% tổng tài sản. Trong đó, vay nợ ngắn hạn là 1.096 tỷ đồng, vay nợ dài hạn ở vào mức 1.167 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải khoản nợ xấu nào không bán cũng là có hy vọng, mà là do bế tắc. ACB là một ví dụ. Tính đến hết quý I/2014, tỷ lệ nợ xấu của ACB tăng từ 3,03% lên 3,28% đạt 3.504,3 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng hơn 2.300 tỷ đồng. Thế nhưng, năm 2013, ABC mới bán 423 tỷ đồng cho VAMC, thu về 318 tỷ đồng. Trong quý I/2014, chỉ bán thêm 80 tỷ đồng nợ xấu.

Có lẽ ai cũng hiểu vì sao ACB chỉ bán nợ xấu cho VAMC ít vậy. Vì thực tế, có khoản nợ liên quan đến "bầu" Kiên và vụ chiếm đoạt 700 tỷ đồng của Huyền Như, có muốn bán thì VAMC cũng không mua vì đâu có tài sản bảo đảm.

Trên thực tế, con số 3.504,3 tỷ đồng nợ xấu của ACB vẫn chưa phản ánh hết khoản nợ xấu tiềm ẩn của ngân hàng này. Bởi, riêng khoản nợ liên quan đến "bầu" Kiên, thì ACB có tổng cộng dư nợ từ các khoản cho vay và phải thu liên quan đến nhóm 6 công ty của "bầu" Kiên là 7.415 tỷ đồng.

Ông Kiêm cho biết hiện nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ là "sân sau" của các ông chủ ngân hàng. Bởi những khoản nợ này, thường là không có tài sản bảo đảm hoặc ông chủ nhà băng này vẫn chưa đồng ý bán.

"Với những khoản nợ xấu mà không có tài sản bảo đảm, không có khả năng thu hồi thì ngân hàng phải tự xử lý bằng cách lấy vốn tự có để xóa nợ. Với những ngân hàng yếu kém thì việc tự xử lý nợ xấu với khoản lớn có thể dẫn đến khả năng bị mất vốn, gây đổ vỡ", ông Kiêm phân tích.

Bức tranh này mới là thực và đây mới chính là nguyên nhân khiến nợ xấu vẫn tăng lên, còn VAMC thì vẫn chăm chỉ nhặt nhạnh những khoản nợ nhỏ nhặt của các ngân hàng. Và, câu chuyện nợ xấu chỉ dừng "nóng", khi cách ứng xử nợ xấu của các ngân hàng có chuyển biến.