Nghiên cứu kỹ lưỡng về điện hạt nhân, đảm bảo tối đa an toàn
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thực tiễn về điện hạt nhân để báo cáo Chính phủ. Quan điểm của Bộ là khi đầu tư điện hạt nhân sẽ sử dụng công nghệ mới để đảm bảo tối đa an toàn.
Thông tin về Luật Điện lực (sửa đổi) tại họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Công Thương chiều 23/10, ông Nguyễn Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, 2018, 2022 và năm 2023. Tuy đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung và mỗi lần đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, song hiện nay nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không thể giải quyết được các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành Điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.
Luật Điện lực được sửa đổi với 6 chính sách lớn bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Được biết, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã quy định các chính sách phát triển điện hạt nhân. Theo đó, quy hoạch phát triển điện hạt nhân là một phần gắn liền và đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện; Dự án điện hạt nhân là dự án quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, do nhà nước đầu tư xây dựng và vận hành.
Theo dự thảo, việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác có liên quan. Các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng để đảm bảo an toàn cao nhất. Tuỳ thuộc tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và dự án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả.
Liên quan đến câu hỏi của báo chí về vấn đề điện hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, chủ trương phát triển điện hạt nhân đã được đưa ra từ năm 2009, nhưng sau đó tạm dừng. Căn cứ Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thực tiễn để báo cáo lại với Chính phủ.
Thứ trưởng cho biết thêm, sức ép năng lượng tái tạo khiến cho nhu cầu điện nền là rất quan trọng. Chính vì vậy, các nước đều nghiên cứu tăng gấp 2, gấp 3 lần sản lượng và quy mô điện hạt nhân. Như Nhật Bản, Pháp có tỉ trọng điện hạt nhân phải chiếm 20%-25% sản lượng điện của họ.
Về lựa chọn công nghệ phát triển điện hạt nhân, theo Thứ trưởng, chắc chắn sẽ lựa chọn công nghệ thế hệ mới đã được áp dụng thực tiễn với mục tiêu nhằm đảm bảo tối đa an toàn, đưa rủi ro về bằng 0.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xin chủ trương và khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận mới đủ cơ sở tiếp tục triển khai các dự án điện hạt nhân.