Nghiên cứu sự biến đổi của sản phẩm dịch vụ ngân hàng thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo mang lại những tác động tích cực, tạo cơ hội lớn cho ngành Ngân hàng Việt Nam.
Công nghệ số, công nghệ mới gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ chi nhánh quầy giao dịch, ATM vật lý sang số hóa, mà còn giúp ngân hàng tương tác hiệu quả với khách hàng… Cấu trúc sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng thương mại từng bước thay đổi theo hướng tiện ích và hiện đại…
Để giúp các ngân hàng thương mại cung ứng nhiều hơn các sản phẩm dịch vụ hiện đại, phù hợp với nền kinh tế số, bài viết nghiên cứu những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến dịch vụ sản phẩm và nhận diện các cơ hội thách thức của hệ thống ngân hàng, từ đó đề xuất giải giúp hệ thống ngân hàng phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến dịch vụ sản phẩm ngân hàng
Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 (CMCN 4.0) - cuộc cách mạng mà trong đó các công nghệ như thực tế ảo, internet vạn vật, in 3D, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Với cơ cấu dân số trẻ; tỷ lệ sử dụng điện thoại di động của người dân ở mức cao, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi trong tiếp cận với CMCN 4.0. CMCN 4.0 trong thực tế cũng đã đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội cải thiện trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh; đồng thời, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững và trao thêm cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực ngân hàng, CMCN 4.0 đã thực sự đem đến những thay đổi rõ rệt. Các công nghệ mới không chỉ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang các kênh số hóa, tăng cường sự tương tác với khách hàng mà còn có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, hỗ trợ các ngân hàng từng bước trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.
Khảo sát cho thấy, ngành Ngân hàng là một trong những đơn vị đi đầu ứng dụng các công nghệ hiện đại vào trong quá trình hoạt động và cung cấp sản phẩm cho nền kinh tế. Bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ thanh toán truyền thống, đa phần hệ thống ứng dụng công nghệ của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đáp ứng được các nhu cầu hiện tại.
Hầu hết các NHTM Việt Nam đã và đang triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, đảm bảo an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đến nay, số lượng tài khoản cá nhân mở tại các NHTM trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 NHTM đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet và khoảng 36 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 21 tổ chức, không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán).
Cùng với mở rộng các dịch vụ sản phẩm hiện đại, vấn đề an ninh, an toàn bảo mật trong lĩnh vực thanh toán cũng được ngành Ngân hàng quan tâm, chú trọng nhằm ứng phó với những thách thức từ CMCN 4.0. NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 10/01/2017 về việc tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ và thanh toán trực tuyến.
Tóm lại, trong 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của công nghệ đã thay đổi cách giao tiếp và tương tác của con người, kéo theo đó là sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng. Nhờ ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số, các sản phẩm của ngân hàng có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã và đang là công cụ đắc lực phục vụ cho sự vận hành của nền kinh tế, hoạt động của cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Bên cạnh những cơ hội mở ra từ CMCN 4.0, ngành Ngân hàng cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức điển hình như:
- Thách thức trong hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử. Trong đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử... là những vấn đề mới, phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế.
- Thách thức đối với các tổ chức tín dụng là các mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, thanh toán có thể phải xem xét lại, thay đổi để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh trí tuệ nhân tạo, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử; hay thách thức trong việc phải đổi mới để tối đa hóa trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực thanh toán, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng thời đại CMCN 4.0.
- Thách thức trong đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán và vấn đề bảo mật thông tin, về các loại tội phạm công nghệ cao.
- Thách thức về trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin…
Giải pháp phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong thời gian tới
Phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại trên nền tảng công nghệ thông tin kết hợp với công nghệ viễn thông là một xu hướng tất yếu trong thời gian tới đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mô hình ngân hàng di động/ngân hàng trực tuyến sẽ khiến vai trò của các chi nhánh ngân hàng ngày giảm dần.
Dự báo trong thập kỷ tới, có khoảng 61-64% dân số thế giới không tiếp xúc với dịch vụ ngân hàng truyền thống. Điện thoại thông minh sẽ trở thành tài khoản ngân hàng trong giao dịch ngân hàng hàng ngày của họ. Các chi nhánh không còn đóng vai trò quan trọng nhất; đồng thời, cũng không còn là kênh phân phối mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong tương lai. Do đó, ngành Ngân hàng Việt Nam cần định hướng cốt lõi trong ứng dụng CMCN 4.0 vào hoạt động như sau:
Một là, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng các công nghệ hiện đại.
Hai là, tối ưu hóa mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.
Ba là, định hướng xây dựng mô hình chi nhánh hiện đại - giúp tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng, giúp bản thân ngân hàng tương tác tốt hơn.
Bốn là, tăng cường ứng dụng chuỗi cung ứng thông minh.
Năm là, đẩy mạnh bán chéo sản phẩm cho khách hàng hiện tại thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử cá nhân và phát triển các thiết bị tự phục vụ.
Sáu là, đổi mới quy trình, cách thức cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phù hợp với những thay đổi tích cực do nền tảng công nghệ sinh học, công nghệ sạch từ CMCN 4.0 mang lại.
Bảy là, chú trọng quản lý an ninh mạng; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng.
Bên cạnh việc định hướng, ngành Ngân hàng cần chú trọng triển khai một số giải pháp phát triển các sản phẩm dịch vụ hiệu quả sau:
Thứ nhất, về phía cơ quan quản lý, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển theo hướng ngân hàng số. Theo đó, cần tập trung hoàn thiện quy định về an ninh, an toàn; áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật thông tin; tăng cường kiểm tra giám sát công tác thanh toán thẻ; đẩy mạnh tuyên truyền thông về bảo mật, cảnh giác và cận trọng ở khách hàng.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường thu thập, phân tích, khai thác dữ liệu khách hàng từ việc ứng dụng, triển khai các công nghệ mới, đột phá như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chia sẻ dữ liệu mở… tạo dựng hệ sinh thái số, kết nối mở với các nền tảng bên ngoài; khuyến khích sự phát triển hợp tác giữa ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ Fintech.
Thúc đẩy hệ sinh thái Fintech phát triển, trở thành một phần của hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại.
Thứ ba, đối với vấn đề an ninh bảo mật, các NHTM cần tiếp tục đầu tư các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin; đồng thời, tăng cường công tác cảnh báo, khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng giao dịch ngân hàng điện tử.
Thứ tư, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Ngân hàng, tăng khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Việc đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao phải được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống ngân hàng.
Thứ năm, các NHTM cần đẩy mạnh truyền thông, triển khai các chương trình giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức về tài chính ngân hàng cho người dân, giúp giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho khách hàng, thúc đẩy phát triển ngân hàng số.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 19-2019/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;
- Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;
- Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử;
- Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025;
- Đỗ Văn Hữu, Thúc đẩy phát triển Ngân hàng điện tử ở Việt Nam, Tạp chí Tin học Ngân hàng;
- Phạm Đức Tài, Triển vọng thúc đẩy dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp;
- Đào Minh Tuấn, Báo cáo chuyên đề: “Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ ngân hàng hiện đại – xu thế và tiềm năng”.