Công nghiệp thực phẩm Việt Nam có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư
Tỷ trọng đầu tư FDI vào công nghiệp chế biến thực phẩm có độ chênh lệch cao giữa ngành nghề, lĩnh vực, chủ yếu tập trung ở dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản, thủy sản, đồ uống...
Với mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65-70 tỷ USD (bằng 200% so với hiện nay), ngành công nghiệp chế biến thực phẩm có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo xúc tiến đầu tư trong công nghiệp chế biến thực phẩm do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14/11.
Theo Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển công thương, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), phần lớn dự án FDI vào lĩnh vực chế biến thực phẩm tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Tỷ trọng đầu tư FDI vào công nghiệp chế biến thực phẩm có độ chênh lệch cao giữa ngành nghề, lĩnh vực, chủ yếu tập trung ở dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản, thủy sản, đồ uống...
Ông Lê Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển công thương, nhận xét thúc đẩy FDI trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đòi hỏi chính quyền địa phương chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với chuyển giao sử dụng đất nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở luật pháp Việt Nam.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần có cơ chế linh hoạt trong huy động vốn, khuyến khích nhà đầu tư phát triển vùng nguyên liệu…
Ngành công nghiệp thực phẩm có tiềm năng phát triển nhờ yếu tố dân số đông, thu nhập trung bình của người dân ngày càng tăng, xu hướng tiêu dùng tăng nhanh.
Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế về công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; được đánh giá là ngành đang có đà phát triển tốt với nhu cầu lớn về thu hút vốn và công nghệ. Đây cũng là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ Việt Nam lựa chọn ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035.
Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho biết Việt Nam đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản công suất thiết kế, đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm.
Với 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, hộ gia đình…, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng 5-7%/năm.
Tuy nhiên, ngành này cũng tồn tại những nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất như sản phẩm thô, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp…; đối mặt với thách thức do nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến chưa ổn định, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hạn chế, thị trường tiêu thụ phụ thuộc một số nước...
Trước thực trạng này, tiến sỹ Frauke Schmitz-Bauerdick - Trưởng đại diện Cục xúc tiến Thương mại và Đầu tư Đức tại Việt Nam, cho rằng để cạnh tranh ở các thị trường phát triển, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh lương thực và chất lượng. Một vấn đề quan trọng của việc cung cấp sản phẩm thực phẩm chất lượng cao là máy móc, thiết bị phù hợp.
Chế biến thực phẩm và tăng thêm giá trị sản phẩm bằng cách chế biến là một xu hướng quan trọng mà ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam cần thúc đẩy trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng trở nên tất yếu khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tiến sỹ Frauke Schmitz-Bauerdick dẫn chứng.
Trên cơ sở nhận định về thực trạng, cơ hội và thách thức trong kế hoạch phát triển kinh tế, Chính phủ nên định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, từ đó, có những chương trình hành động cụ thể để bộ, ngành xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới, một số đại biểu đến từ các địa phương đề xuất.