Thị trường thực phẩm chức năng: cần gì có đó

Theo Vũ Yến/sgtiepthi.vn

Bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2000, đến nay các loại thực phẩm chức năng trở nên phổ biến và có nhiều nguồn cung cấp.

Nhiều người dùng thực phẩm chức năng để bổ sung dinh dưỡng.
Nhiều người dùng thực phẩm chức năng để bổ sung dinh dưỡng.

Theo ghi nhận, thị trường cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm chức năng. Không chỉ có các loại nhập khẩu đường chính ngạch hoặc xách tay mà còn có sản phẩm do một số doanh nghiệp trong nước sản xuất. Chúng dành cho mọi lứa tuổi, từ sơ sinh tới người già.

Cho nhiều lứa tuổi

Bà Phạm Phương, 60 tuổi, ngụ tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh, cho biết khoảng 5-6 năm nay, con trai của bà đã mua cho bà dùng ba loại thực phẩm chức năng khác nhau.

“Mỗi ngày tôi uống viên bổ sung collagen, viên giúp xương khớp chắc khỏe và sáng nào cũng nhai một viên vitamin tổng hợp”, bà nói.

Tương tự, con dâu của bà cũng mua viên uống chứa nhau thai cừu được cho là có tác dụng làm đẹp da, cùng với viên uống chứa biotin với mong muốn mái tóc chắc khỏe.

Chị Ngọc Huyền, 31 tuổi, làm việc ở quận Phú Nhuận, cũng chia sẻ rằng do công việc áp lực và ăn uống không điều độ nên từ một năm nay đã uống thêm loại thực phẩm chức năng chiết xuất từ cây bạch quả để giảm căng thẳng, chữa mất ngủ.

Chị nói: “Tôi không biết viên uống này có hiệu quả như quảng cáo hay không nhưng thấy nhiều người dùng nên cũng thử xem sao. Một hũ uống cỡ bốn tháng, giá bán hơn 500.000 đồng”.

Thị trường hiện có rất nhiều nhãn hiệu thực phẩm chức năng với đủ mức giá.
Thị trường hiện có rất nhiều nhãn hiệu thực phẩm chức năng với đủ mức giá.

Với trẻ sơ sinh, nhiều nơi còn giới thiệu loại thực phẩm chức năng dạng sữa giúp bé ngủ ngon, hoặc những loại cung cấp vitamin D.

Trẻ lớn hơn thì có các loại si rô và viên uống bổ sung dinh dưỡng, giúp trẻ ăn ngon. Nhiều nhãn hàng còn quảng bá loại thực phẩm chức năng giúp tăng cường hoạt động trí não, giúp trẻ thông minh hơn.

Được giới thiệu rầm rộ hiện nay là các loại viên uống tăng chiều cao siêu tốc trong thời gian ngắn với thành phần muối khoáng, vi lượng…

Các lứa tuổi khác cũng có nhiều lựa chọn với thực phẩm chức năng. Chúng thường được giới thiệu theo nhu cầu như để làm đẹp, giảm cân, tăng cân, cải thiện sức đề kháng, bồi bổ xương khớp, giúp tăng cường trí nhớ…

Chẳng hạn chỉ cần lên mạng tìm kiếm với từ khóa “viên uống giảm cân” là hiện ra vô số sản phẩm của các nhà cung cấp khác nhau.

Giá cả “thượng vàng hạ cám”

Thị trường thực phẩm chức năng: cần gì có đó - Ảnh 1
Thị trường thực phẩm chức năng: cần gì có đó - Ảnh 2

 

Người mua nên tìm các sản phẩm đã được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận thực phẩm chức năng độc lập Consumerlab.com, Dược điển Hoa Kỳ (usp.org) hoặc NSF International (nsf.org).
Người mua nên tìm các sản phẩm đã được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận thực phẩm chức năng độc lập Consumerlab.com, Dược điển Hoa Kỳ (usp.org) hoặc NSF International (nsf.org).

Các mặt hàng thực phẩm chức năng được bán tại hệ thống các nhà thuốc lớn, nhỏ trên khắp cả nước; tại các cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; các trang web giới thiệu sản phẩm.

Người ta còn tìm thấy chúng trên mạng xã hội và đặc biệt là qua hệ thống các đại lý phân phối lớn, nhỏ, tỏa đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, từ các vùng xa xôi tới thành phố lớn.

Giá bán cũng có nhiều mức tùy theo nguồn hàng và đơn vị cung cấp. Đơn cử, cùng một sản phẩm dành cho phụ nữ mang thai chứa DHA nhưng có chỗ bán 410.000 đồng, có nơi 499.000 đồng, nơi 523.000 đồng, 610.000 đồng…

Viên uống này được giới thiệu sản xuất tại Mỹ, có tác dụng hỗ trợ phát triển mắt và trí não cho bé, giảm thiểu nguy cơ sinh con dị tật, bổ sung vitamin giúp thúc đẩy quá trình phục hồi của mẹ sau sinh.

Tương tự, các sản phẩm được giới thiệu có công dụng làm đẹp tuy cùng một nhãn hiệu nhưng có mức giá chênh lệch khá nhiều, khiến người dùng băn khoăn không biết mua của nơi nào.

Việc đặt hàng qua mạng và giao hàng tận nơi, nhiều khi miễn phí, làm cho thực phẩm chức năng ngày càng phổ biến. Và tất nhiên, chỗ nào cũng cam kết sản phẩm của mình là hàng chính hãng, hàng tốt, đảm bảo.

Nhiều người do không tin tưởng nguồn gốc nên đã nhờ người thân xách tay từ nước ngoài về hoặc mua của những người bán nhỏ lẻ với số lượng ít.

Thế nên làm thế nào để lựa chọn thực phẩm chức năng tốt, làm sao phân biệt sản phẩm thật – giả là nỗi lo của người tiêu dùng.

Để mua sản phẩm có bảo đảm

Thực phẩm chức năng không phải trải qua các quy trình thử nghiệm như các loại thuốc.
Thực phẩm chức năng không phải trải qua các quy trình thử nghiệm như các loại thuốc.

Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, mặc dù thực phẩm chức năng được quy định tại một số điều thuộc Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cung cấp, nhưng một số nhà sản xuất đôi khi cũng không nghiêm túc chấp hành.

Do đó, trước khi quyết định mua thực phẩm chức năng, người dùng nên tham khảo những lời khuyên sau:

– Người dùng cần biết khi nào cơ thể cần, tức là cần sử dụng để hỗ trợ điều trị các vấn đề sức khỏe, như cần uống canxi và vitamin D cho bệnh loãng xương hoặc sắt cho bệnh thiếu máu. Nhưng trước đó người dùng phải trao đổi với bác sĩ điều trị để xác định sự cần thiết phải bổ sung. Đừng tự chẩn đoán dựa trên một tài liệu hoặc lời đồn thổi từ một cá nhân khác, hoặc từ những quảng cáo hoa mỹ.

– Chọn một thương hiệu uy tín lâu năm: một số thương hiệu sản xuất thực phẩm chức năng lâu năm vì vậy sản phẩm của họ có thể đáng tin cậy.

– Người mua nên mua tại hiệu thuốc hoặc cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe để được dược sĩ tư vấn.

– Người mua nên tìm các sản phẩm đã được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận thực phẩm chức năng độc lập Consumerlab.com, Dược điển Hoa Kỳ (usp.org) hoặc NSF International (nsf.org). Các tổ chức sẽ chứng nhận rằng sản phẩm đó đã trải qua quá trình kiểm tra chất lượng, thực hành sản xuất tốt. Trang web của ba tổ chức này cũng cung cấp những thông tin về các loại thực phẩm chức năng, nơi bán, các báo cáo đánh giá về sản phẩm, cảnh báo…

– Xem phần đánh giá khi mua trực tuyến: khi người dùng tìm kiếm thông tin qua Internet sẽ có rất nhiều tên trang web cung cấp hiện ra, từ các trang chính thức của doanh nghiệp sản xuất đến các trang bán giá rẻ. Người dùng nên xem phần đánh giá sản phẩm, đánh giá trang web trước khi có ý định đặt hàng. Đừng mê mẩn những sản phẩm hứa hẹn chữa khỏi bệnh, giảm cân nhanh chóng, đẩy lùi ung thư… Người dùng nên tìm các trang web cung cấp thông tin có tài liệu tham khảo và dễ dàng liên hệ.

– Kiểm tra kỹ nhãn mác trên hộp: nhãn thường được thiết kế bắt mắt để thu hút người mua. Người mua nên đọc kỹ các thành phần ghi trên nhãn và xem lại các chất được bổ sung đó có cần thiết cho cơ thể không. Đừng quên tìm tên và thông tin liên lạc của công ty sản xuất kể cả sản phẩm trong nước hoặc nước ngoài, đơn vị nhập khẩu và phân phối.

– Tránh sử dụng liều cao và nhiều thành phần hỗn hợp: ví dụ khi cần mua vitamin C, người mua nên so sánh nhiều loại thực phẩm chức năng có thành phần vitamin C đơn thuần với những loại khác vừa có vitamin C và các loại bổ sung khác. Thực tế sản phẩm càng chứa nhiều thành phần, khả năng có tác dụng phụ càng cao.

– Chỉ chú ý chọn loại chứa vitamin hoặc khoáng chất cần thiết. Người dùng cần tuân thủ hướng dẫn liều lượng trên nhãn, cho dù vitamin là an toàn, nhưng uống quá liều là không tốt.

– Tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trong trường hợp mang thai hoặc cho con bú, sắp phải phẫu thuật, đang có bệnh lý và hiện có đang dùng bất kỳ loại thuốc theo toa nào khác không.

Ranh giới giữa thực phẩm chức năng và thuốc bổ

Thực phẩm chức năng còn gọi là thực phẩm bổ sung, nghĩa là chúng có thể được đưa thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày. Thành phần có thể gồm vitamin, khoáng chất, thảo dược, acid béo, chất xơ, nấm, men vi sinh… Chúng có thể ở dạng thuốc viên, viên nang, bột, đồ uống và bánh.

Tuy nhiên các loại sản phẩm này không phải trải qua các quy trình thử nghiệm như các loại thuốc. Hiện nay thực phẩm chức năng cũng bao gồm tất cả các loại vitamin và có thể mua tự do không cần toa của bác sĩ.

Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh, có thể gồm những hợp chất hóa học được chiết xuất hoặc tổng hợp trong phòng thí nghiệm có nguồn gốc thực vật, động vật hoặc đại dương nhằm mục đích mang lại sự thay đổi chức năng sinh lý bình thường của cơ thể.

Thuốc phải được nghiên cứu kỹ về tác động trên thực nghiệm và lâm sàng.

Năm 1994, đạo luật giáo dục sức khỏe bổ sung chế độ ăn uống (DSHEA) của Mỹ đã định nghĩa các chất bổ sung chế độ ăn uống là một loại thực phẩm, nhưng chúng có các quy định khác so với thuốc.

Vì các loại thực phẩm bổ sung này được thiết kế để cải thiện sức khỏe nhưng chỉ dùng để uống mà không phải để ăn nên chúng ta không thưởng thức được hương vị, mùi, nên đôi khi người dùng ngộ nhận chúng là “thuốc”.

Thực phẩm chức năng chỉ được sử dụng như các chất dinh dưỡng đặc biệt để giải quyết tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng do ăn uống kém hoặc sự suy kiệt của cơ thể trong các bệnh mãn tính hoặc trong giai đoạn điều trị và hậu ung thư.

Theo định nghĩa của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể con người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên chúng không được xem là thuốc hoặc thức ăn.

Thực phẩm chức năng thường được phân loại theo bản chất cấu tạo và tác dụng. Có thể kể đến nhóm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất; nhóm dạng viên; nhóm không béo, không đường, giảm năng lượng; nhóm giàu chất xơ; nhóm đặc biệt như dùng cho phụ nữ có thai, cho trẻ ăn dặm, vận động viên, phi hành gia, hoặc loại hấp thu qua ống thông dạ dày…