Không nhanh thực hiện cải cách cơ cấu, khó hồi phục tăng trưởng

Theo thoibaonganhang.vn

“Những vấn đề của Việt Nam có nguồn gốc từ cơ cấu. Nếu Việt Nam không nhanh thực hiện cải cách cơ cấu thì khó hồi phục tăng trưởng”, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tiếp tục lưu ý sau một số khuyến cáo đã được bà đưa ra tại một số diễn đàn công khai trước đó.

Không nhanh thực hiện cải cách cơ cấu, khó hồi phục tăng trưởng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xu hướng tăng trưởng chậm, kéo dài

Theo báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam” của WB, công bố hôm 12/7/2013, các chỉ số kinh tế vĩ mô trọng yếu của Việt Nam đang cải thiện với mức độ ổn định tương đối, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại hối được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên báo cáo cũng đề cập liệu Việt Nam có thể vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm kéo dài? Và báo cáo này cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải nếu chậm tiến độ thực hiện cải cách.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, ông Deepak Mishra nhận định: Việt Nam đã có mức lạm phát vừa phải: chỉ số tháng 6/2013 tăng 6,7% so với tháng 6/2012, tỷ giá khá ổn định trong thời gian dài, dự trữ ngoại hối được cải thiện từ mức 2,2 tháng nhập khẩu ở thời điểm quý I/2012 đến quý I/2013 đã tăng lên 2,8 tháng nhập khẩu. Mức độ rủi ro tín dụng quốc gia cũng được cải thiện. Tỷ lệ rủi ro hoán đổi tín dụng (CDS) giảm từ mức 350 điểm cơ bản (tháng 6/2012) xuống còn 250 điểm cơ bản (tháng 6/2013).

Xuất khẩu của Việt Nam cũng đã có những cải thiện đáng kể với cơ cấu sản phẩm hàng hóa đa dạng hơn, tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghệ cao đã tăng đáng kể. Năm 2012, Việt Nam đã có thặng dư thương mại và kể từ năm 2009 đây là năm đầu tiên Việt Nam có giá trị xuất siêu. Cũng trong năm 2012 Việt Nam đạt thặng dư cán cân thanh toán ở mức kỷ lục. “Đây là bước chuyển đáng ghi nhận từ mức thâm hụt 11% GDP năm 2009 sang mức thặng dư 5,9% năm 2012. Cán cân tài khoản vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong năm nay tuy mức độ không bằng năm 2012.

Theo WB, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai. “Chúng tôi đã hỏi các nhà đầu tư và Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham), thành viên Hiệp hội xếp Việt Nam đứng đầu danh sách các địa điểm đầu tư, 57% thành viên cho biết sẽ mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Hiệp hội kinh doanh Singapore xếp Việt Nam ở thứ 2 về điểm đến đầu tư”, trích báo cáo của WB.

Bên cạnh những chỉ số thuận lợi, báo cáo cũng chỉ ra những xu hướng xấu đã bắt đầu xuất hiện. Đó là tốc độ tăng trưởng thấp (5,03% của năm 2012 là mức tăng thấp nhất trong suốt giai đoạn từ năm 1998). Biểu đồ tăng trưởng của Việt Nam cũng cho thấy, đã có biểu hiện của một giai đoạn tăng trưởng chậm và kéo dài nhất kể từ năm 1980 đến nay.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư Nhà nước và vốn đầu tư tư nhân cũng giảm mạnh. Tình hình cân đối thu chi ngân sách Nhà nước cũng đang ở giai đoạn căng thẳng nhất. Năm 2000 thu ngân sách đạt 30%/GDP, từ đó giảm và số thu ngân sách Nhà nước năm 2012 chỉ bằng 22,8% GDP – mức thấp kỷ lục theo WB, dự báo năm nay có thể còn thấp hơn. Nợ nước ngoài tuy vẫn bền vững vì thặng dư cán cân vãng lai ở mức cao nhưng nợ trong nước đang tăng nhanh.

Bắt tay vào cải cách và thể chế

WB dự báo: Năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ ở mức 5,3% và năm 2014 con số này có khá hơn đạt 5,4%, nhưng chỉ số lạm phát năm nay (2013) sẽ phải là 8,2%. “Việt Nam đang tăng trưởng thấp hơn mức tiềm năng. Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 7% nếu có cơ cấu hợp lý và thể chế tốt”, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB và ông Deepak Mishra cùng quan điểm khi đưa ra nhận định.

“Những vấn đề của Việt Nam có nguồn gốc từ cơ cấu. Nếu Việt Nam không nhanh thực hiện cải cách cơ cấu thì khó hồi phục tăng trưởng”, bà Victoria Kwakwa, tiếp tục lưu ý sau một số khuyến cáo đã được bà đưa ra tại một số diễn đàn công khai trước đó.

Báo cáo cũng đã chỉ ra sự không quyết liệt của toàn hệ thống xây dựng chính sách trong quá trình cải cách. Tiến độ cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn hết sức chậm chạp sau 2 năm kể từ ngày Chính phủ phê duyệt chủ trương và lộ trình cải cách. Quá trình cải cách doanh nghiệp khó có thể thành công nếu không có một cơ chế điều phối liên hành hữu hiệu và tăng cường tính minh bạch.

Khu vực tài chính ngân hàng vẫn còn mong manh nhưng rủi ro hệ thống đã được cải thiện. Việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ  thận trọng của Ngân hàng nhà nước sẽ góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro ở khu vực này.

Tuy nhiên, sẽ có những rủi ro tiềm ẩn nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tạo sức ép lên chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, từ đó sẽ tạo áp lực lên lạm phát, làm xói mòn các thành quả mong manh của ổn định kinh tế vĩ mô. Việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu cũng sẽ làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng - theo báo cáo trên của WB.