Kiểm soát chặt nợ công, siết kỷ luật ngân sách

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là bảo đảm an toàn nợ công Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo đảm an toàn nợ công, nợ Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Kiểm soát chặt nợ công, siết kỷ luật ngân sách
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kiểm soát chặt nợ công

Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP, nợ Chính phủ 42,3% GDP. Dự kiến, cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP, nợ Chính phủ 46,9% GDP, nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ lệ vay trong nước với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn.

Kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ ngân sách Nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nợ công gắn với đổi mới cơ cấu ngân sách Nhà nước theo hướng lành mạnh, tích cực. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định.

Siết kỷ luật ngân sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục thuế, hải quan

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường quản lý thu ngân sách, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, chuyển giá.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, hải quan, tăng cường công tác kê khai thuế qua mạng Internet, nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế; triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế và tham gia cơ chế một cửa ASEAN.

Ngay trong năm 2014 giảm thời gian nộp thuế khoảng 290 giờ/năm; phấn đấu đến năm 2015 thời gian thông quan giảm xuống còn 14 ngày đối với hàng xuất khẩu, 13 ngày đối với hàng nhập khẩu. Nâng cao phẩm chất, năng lực; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan thuế, hải quan.

Thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách Nhà nước; rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi; cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước...

Kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên và chi đầu tư, thanh toán vốn đối với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Bảo đảm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán. Bố trí nguồn thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng an ninh và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Sử dụng toàn bộ bội chi ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển.

Tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong 10 tháng, đã tái cơ cấu được 119 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 100 doanh nghiệp. Đã thoái vốn được trên 3,5 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với năm 2013.

Tăng cường công khai minh bạch tình hình tài chính và kết quả hoạt động. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu và quốc phòng an ninh. Quản lý chặt chẽ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, sử dụng đúng mục đích theo quy định. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm ăn có lãi, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, đóng góp vào ngân sách Nhà nước tăng.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.