Năm 2015: Mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Năm 2014, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn lại là năm thành công đối với ngành Công Thương trên hầu hết các hoạt động. Đây chính là trợ lực cho toàn ngành bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ mới trong năm 2015.

Năm 2015: Mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hướng đến giá trị xuất khẩu 165 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2014, Việt Nam xuất siêu đạt kỷ lục 1,984 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,6%; giá trị gia tăng công nghiệp ước tăng khoảng 7,14%; chỉ số tồn kho chung của toàn ngành giảm dần qua các tháng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,6%. Hơn nữa, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Hàn Quốc và thống nhất thời gian hoàn tất đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU), mở ra các cơ hội mới về tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp…

Với các kết quả đáng ghi nhận trên, bên lề hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, năm 2015, ngành Công Thương sẽ góp phần cùng cả nước phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Ngay từ những ngày đầu năm 2015, toàn ngành Công Thương đang bắt tay vào thực hiện các mục tiêu cho năm mới. Theo đó, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 165 tỷ USD; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 171 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7,8 - 7,9% so với ước thực hiện 2014; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 11 - 12%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp

Xác định năm 2015, ngoài các yếu tố thuận lợi, Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của việc mở cửa, hội nhập cùng với những hạn chế, yếu kém của nội tại nền kinh tế trong nước. Bởi vậy, để hoàn thành được các mục tiêu, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ngành Công Thương cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết là tiếp tục tìm kiếm, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. “Đây là nhiệm vụ hàng đầu mà Chính phủ giao cho ngành Công Thương”- Bộ trưởng cho biết.

Tiếp đó, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bằng cách tìm thêm thị trường mới; đổi mới phương thức xúc tiến thương mại; tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành có sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu, trong đó, tiếp tục đối phó và có ứng xử phù hợp, hiệu quả với các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp mà các nước đang sử dụng đối với hàng Việt Nam.

Để đẩy mạnh đầu tư vào các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án quan trọng của quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội, ngành Công Thương sẽ tập trung vào những công trình điện, năng lượng, hóa chất, công nghiệp chế biến tiêu dùng nhằm tăng thêm năng lực sản xuất mới. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới DN nhà nước bao gồm các tập đoàn, tổng công ty của Bộ, trong đó tập trung vào cổ phần hóa, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước.

Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ quan tâm đầy đủ và đồng bộ tới thị trường trong nước, bao gồm thị trường nội địa, các tỉnh biên giới, miền núi, biển đảo. “Chính phủ yêu cầu ngành Công Thương thực hiện nhiệm vụ này thường xuyên, nhất quán và kiên trì; coi phục vụ người tiêu dùng trong nước là ưu tiên hàng đầu trong sản xuất kinh doanh cùng với việc xuất khẩu”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương cũng sẽ hướng tới phát triển và nâng cao chất lượng nền kinh tế theo chiều sâu, có quan tâm đến mục tiêu an sinh xã hội.

Thêm vào đó, toàn ngành sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và thu hẹp khoảng chênh lệch với các nước trong khu vực.