TPP: Chuyển từ cạnh tranh “bằng giá” sang “phi giá”

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Dệt may, da giày là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị chu đáo để tham gia “sân chơi” này.

 TPP: Chuyển từ cạnh tranh “bằng giá” sang “phi giá”
Dệt may muốn được hưởng thuế suất 0% phải đáp ứng nguyên tắc xuất xứ từ "sợi trở đi". Nguồn: internet

Tại Hội nghị “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và sự tham gia của Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, khác với các vòng đàm phán của WTO, đàm phán Hiệp định TPP có phạm vi rộng hơn nhiều.

Nếu như WTO chỉ đàm phán về thị trường hàng hóa, dịch vụ, một số vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thì trong đàm phán TPP, bên cạnh các vấn đề trên, các vòng đàm phán còn đề cập cả vấn đề mua sắm chính phủ, vấn đề lao động, môi trường, vấn đề doanh nghiệp nhà nước...

Đặc biệt, “nếu 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký, tỷ lệ xóa bỏ mức thuế cao nhất là 99% thì TPP hướng đến xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó trên 90% là xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực)”, ông Khánh nói.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia, khi tham gia “sân chơi” này, Việt Nam sẽ là một trong những nước có lợi nhiều nhất vì mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cản hàng hóa cho dịch vụ. Khi các dòng thuế giảm xuống, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu quần áo, giày dép và nhiều mặt hàng khác vốn là thế mạnh của mình vào các thị trường lớn, nhất là thị trường Hoa Kỳ mà không phải cạnh tranh với sản phẩm của một số nước khác.

Đứng từ góc độ doanh  nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, TPP có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Nhưng để có thể biến cơ hội thành lợi ích cụ thể, ngành dệt may Việt Nam phải đổi mặt với một số thách thức nhất định như vấn đề quy tắc xuất xứ, cắt giảm thuế và khả năng cạnh tranh của ngành dệt may.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế- TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, đối với doanh nghiệp, ngành hàng, lợi ích không tự đến. Ngay đối với những ngành hàng được xem có lợi thế khi gia nhập TPP cũng có thể vấp phải không ít rào cản. Ví dụ như dệt may, phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ từ "sợi trở đi" để được hưởng thuế suất 0%.

Bởi vậy, doanh nghiệp cần nắm được tinh thần chung và những cam kết cụ thể nhất là khi có liên quan đến ngành hàng, sản phẩm của mình, nhất là phải chuyển dần từ cách cạnh tranh “bằng giá” sang chú trọng cạnh tranh “phi giá” (gắn với tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, giao dịch…).

Hơn thế, doanh nghiệp cần học cách kết nối bởi thế giới kinh doanh hiện nay là thế giới của mạng, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, là thế giới của những liên kết nghiên cứu triển khai – sản xuất – dịch vụ - thị trường trong không gian các mối quan hệ đối tác và xã hội. Thiếu kết nối thì giao diện kém và không thể chạy cùng sự dịch chuyển nhanh các nhân tố quyết định khả năng cạnh tranh cũng như công nghệ, lao động có kỹ thuật và thông tin hữu ích.