Vốn FDI: Giá trị thu được chưa tương xứng

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Tính đến cuối tháng 10, cả nước đã thu hút được 19,23 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 65,5% so với cùng kỳ năm 2012 và vượt xa kế hoạch của cả năm (14-15 tỷ USD). Đây là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tiếp tục khó khăn, trì trệ. Tuy nhiên, với một tầm nhìn dài hạn, giá trị và cơ hội dòng vốn FDI mang lại cho nền kinh tế vẫn là mối băn khoăn của nhiều người.

Vốn FDI: Giá trị thu được chưa tương xứng
Dây chuyền lắp ráp xe gắn máy tại Nhà máy Honda Vĩnh Phúc. Nguồn: internet

Về đích sớm

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), 10 tháng năm 2013 cả nước đã có 1.050 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 13,07 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2012 và 393 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,15 tỷ USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Về giải ngân, tình hình cũng rất tích cực, trong 10 tháng năm 2013 ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 9,58 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012.

Sau 6 năm gia nhập WTO, khu vực kinh tế nội địa yếu đi nghiêm trọng, trong khi khu vực FDI tăng lên. Trong đó, FDI thể hiện ở những dự án đầu tư lớn, làm thay đổi kim ngạch xuất nhập khẩu. Chẳng hạn Samsung chỉ sau 2 năm đầu tư vào Bắc Ninh, đã chiếm đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là điểm nghẽn của nền kinh tế, nếu không có chiến lược để tạo nội lực quốc gia, ta sẽ không thể có một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

TS. Trần Đình Thiên,
Viện trưởng Viện Kinh tế

Nhật Bản hiện vẫn là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong năm nay. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản 4,84 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam.

Đứng ở vị trí tiếp theo là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,02 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,98 tỷ USD, chiếm 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký…

Theo địa bàn đầu tư, Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,4 tỷ USD, chiếm 17,7% vốn đăng ký. Với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa đứng thứ hai với 2,92 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư.

Các chuyên gia nhìn nhận việc thu hút FDI về đích sớm và vượt xa kế hoạch đề ra từ đầu năm cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực. Đáng chú ý chất lượng thu hút FDI đã có bước chuyển biến tích cực.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay dòng vốn FDI đã  rót vào 18 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất với 494 dự án đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 14,92 tỷ USD (chiếm 77,6% tổng vốn đăng ký). Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,03 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngoại lấn át nội

Trong bối cảnh năm 2013 tiếp tục không thuận lợi, điểm sáng FDI đã phần nào giải tỏa bớt khó khăn cho nền kinh tế, nhất là về vốn đầu tư. Tổng đầu tư toàn xã hội của năm nay chỉ đạt trên 29%, là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng đạt thấp.

Nếu dòng vốn FDI sụt giảm như đầu tư công và đầu tư tư nhân trong nước, chắc chắn nền kinh tế sẽ còn khó khăn hơn. Bên cạnh đó, thu hút và giải ngân vốn FDI đạt cao cũng góp phần hỗ trợ các chỉ số vĩ mô khác. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, tỷ giá ổn định, nhập siêu thấp một phần là từ sự hỗ trợ của khu vực FDI. Trong 10 tháng qua, các doanh nghiệp FDI liên tục xuất siêu.

Nếu tính cả dầu thô, xuất khẩu của khu vực FDI đạt trên 72 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 66,1 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu.

So với tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, dầu thô chiếm trên 90%. Nhập khẩu của khu vực FDI 10 tháng đạt gần 62 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 57,31% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, khu vực FDI xuất siêu trên 10 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 187 triệu USD.

Tuy nhiên, so với kỳ vọng, giá trị gia tăng từ khu vực FDI mang lại cho nền kinh tế không lớn. Trong một nghiên cứu mới đây về hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng doanh nghiệp FDI là khu vực hoạt động kém hiệu quả nhất về sử dụng vốn.

Trong cả giai đoạn 2000-2012, để tạo ra 1 đồng giá trị tăng thêm, khu vực này phải bỏ ra 10,1 đồng vốn; tính riêng giai đoạn 2007-2012, giá trị này phải là 14,42 đồng mới có được 1 đồng giá trị tăng thêm. Trong nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy khu vực FDI tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố khác như tận dụng nguồn nhân lực phổ thông, giá rẻ, còn công nghệ chủ yếu là lạc hậu, đã khấu hao hết.

Một điều đặc biệt nữa là dù bao gồm cả khai thác dầu khí (tài nguyên của Việt Nam), khu vực này hầu như được ưu ái về chính sách, nguồn vốn. Hiệu quả đầu tư của khu vực này thấp, theo ông Bùi Trinh, còn do các báo cáo lỗ, do việc chuyển giá giữa các công ty mẹ con với nhau khá phổ biến trong suốt nhiều năm qua. Những việc này đẩy chi phí sản xuất tăng cao và dĩ nhiên lợi nhuận (theo báo cáo) sẽ nhỏ đi, thậm chí nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ.

“Có thể thực sự họ vẫn lãi nhưng kết quả phía Việt Nam nhận được là không thu được thuế từ các doanh nghiệp loại này. Đấy là chưa kể đến những hệ lụy khác về môi trường, mất đất nông nghiệp, thu hút công nghệ và giải quyết việc làm…” - ông Bùi Trinh nói. Nhiều chuyên gia còn tỏ ý lo ngại khi doanh nghiệp FDI đang ngày càng lấn át doanh nghiệp nội.

Tập trung công nghiệp hỗ trợ

Nhìn rõ các mặt như vậy để thấy rằng trong ngắn hạn việc dòng vốn FDI vào Việt Nam không suy giảm là tín hiệu tốt, nhưng việc khai thác hiệu quả và giá trị thu được từ FDI là vấn đề cần có sự tính toán trong dài hạn. Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc thu hút đầu tư có chọn lọc, cần tập trung phát triển mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ để tận dụng tối đa hiệu quả dòng vốn FDI mang lại.

Gần đây, tôi thấy Chính phủ và các địa phương rất quan tâm đến những nhận xét của bên ngoài về môi trường đầu tư. Đó là điều cần, nhưng chưa đủ. Chừng nào chưa có được hệ thống tự đánh giá đúng đắn bản thân mình, việc sửa đổi để đối phó với bên ngoài chỉ mang tính sự vụ, không thể toàn diện được.

GS., TSKH Nguyễn Mại,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI

Thực tế cho thấy nhiều nhà đầu tư lớn vào Việt Nam phải kéo theo hàng loạt doanh nghiệp vệ tinh. Thí dụ trường hợp của Tập đoàn Samsung, chỉ riêng dự án sản xuất điện thoại ở Bắc Ninh đã có 54 nhà đầu tư vệ tinh của Hàn Quốc theo vào Việt Nam để phục vụ với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD.

Tính đến hết năm 2012, các nhà đầu tư này đã cung cấp cho Samsung khoảng 1,7 tỷ USD giá trị nguyên, phụ liệu các loại. Cũng nhờ đó tỷ lệ nội địa hóa của Samsung không ngừng tăng lên, từ mức 10% của năm đầu tiên lên 20% trong năm nay.

Theo GS., TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, giá trị gia tăng này vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng bởi mới chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung. “Nếu giá trị gia tăng có thể tăng cao hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các dự án lớn” - ông Mại nói. Vấn đề giá trị gia tăng thấp không nằm ở phía nhà đầu tư, mà ở phía nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam quá kém cỏi.

Trên thực tế, dù đã có khá nhiều cơ chế chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư ngoại.

Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Khu tổ hợp công nghệ Samsung, cho biết tập đoàn này rất mong muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nhưng vấn đề hiện nay là công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được những yêu cầu do Samsung đề ra. Trong số 60 nhà cung cấp linh kiện của Samsung, hiện chỉ có 5 nhà cung cấp là của Việt Nam và sản phẩm họ cung cấp không phải linh kiện điện tử, mà chỉ là các loại bao bì, hộp xốp…

Tại một diễn đàn gần đây, ông Kinya Okada, Giám đốc bộ phận điều phối ngành máy in laser của Công ty Canon Việt Nam, đã phải lên tiếng “nếu ai có thông tin về doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được linh kiện điện tử cho Canon, hãy thông báo cho chúng tôi”.