Người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền khi điện tăng 8,36%?
Ngày 20/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo chính thức công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019.
Với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh).
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương cho biết, mức tăng 8,36% này, với 6 bậc thang sử dụng cho khách hàng sinh hoạt: bậc 1 từ 0 - 50kWh, người tiêu dùng sử dụng đến 50kWh sẽ chịu chi phí tăng thêm khoảng 7.000 đồng; bậc 2 từ kWh 51-100, người tiêu dùng sử dụng đến 100kWh phải trả thêm khoảng 14.000 đồng, tăng 8,4%; bậc 3 từ kWh 101-200, người tiêu dùng nếu sử dụng đến 200kWh phải trả thêm 31.600 đồng; bậc 4 từ 201 – 300 kWh thì khách hàng phải trả thêm khoảng 53.100 đồng; với mức trên 400kWh thì khách hàng trả thêm khoảng 77.200 đồng.
Theo ông Tuấn, EVN cho hay hiện nay có hơn 25,8 triệu khách hàng; trong đó 35,6% sử dụng dưới 100kWh; mức trên 300 kWh chỉ có chưa đến 15%; trên 400 kWh chiếm 7,1%... Do vậy, thiết thế giá điện theo bậc thang để hỗ trợ hộ nghèo sử dụng điện bậc thấp, đồng thời khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Liên quan đến người nghèo, các hộ chính sách, sử dụng điện không quá 50kWh thì Chính phủ hỗ trợ hơn 50.000 đồng/tháng, với 2,11 triệu hộ nghèo, chính sách, ngân sách nhà nước đang chi 1.274 tỷ đồng hỗ trợ.
Với khách hàng sản xuất, hơn 1,4 triệu khách hàng, ở mức tăng 8,36%, mỗi hộ trả thêm bình quân 12,39 triệu, tăng 869.000 đồng/tháng.
Bộ Công Thương cũng đã thực hiện khảo sát với các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, sử dụng điện nhiều, các hộ sản xuất xi măng có thể trả thêm 7,19% tương đương 13 triệu đồng/tháng, nhưng có khách hàng tăng 8,44% và trả 95 triệu đồng/tháng.
Với ngành thép, trong các khách hàng sử dụng ít thì tăng khoảng 7,3%, tương đương 50 triệu đồng/tháng.
Lý giải các yếu tố tác động tăng giá điện 8,36%, ông Tuấn cho hay, quy định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 24 của Chính phủ trong đó chi phí đầu vào ở các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành. Các yếu tố đầu vào tác động quan trọng đến khâu phát điện ở cơ cấu nguồn huy động.
Ngày 18/12/2018, Bộ ban hành quyết định quyết định cơ cấu nguồn thuỷ điện 31% nhiệt điện than 46% tuabin khí 18,6%, và huy động dầu khoảng 0,6%. Điện mặt trời trong năm nay với nguồn năng lượng tái tạo mới huy động khoảng 1,2% tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước.
Giá nhiên liệu đầu vào, từ 5/1/2019 giá than bán cho sản xuất điện tăng từ 2,61% đến hơn 7% tuỳ từng loại than, tăng chi phí phát điện lên hơn 3.000 tỷ đồng. Giá than năm nay được điều chỉnh đồng thời với giá điện hôm nay, than của TKV tăng hơn 3% và Tổng công ty Đông Bắc hơn 5% tăng hơn 2.000 tỷ đồng. Một số nhà máy điện của EVN và nhà máy điện ngoài sử dụng than trộn trong nước và nhập ngoại, là than mua của TKV tăng khoảng hơn 1.900 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tuấn, năm 2019 chúng ta chính thức thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với than, đây là những yếu tố tác động tăng giá đối với than.
Đối với khí, trước 20/3 có 2 loại khí, cùng ngày điều chỉnh giá điện, toàn bộ khí bán cho nhà máy điện bao gồm trong và trên bao tiêu đều thực hiện theo giá thị trường.
Bên cạnh đó, EVN phải thanh toán nhiều khoản bằng ngoại tệ… yếu tố tính toán mức tăng giá điện từ chi phí đầu vào điều chỉnh giá điện trên cơ sở tất cả tiêu chí đầu vào, tính toán phân bổ chênh lệch tỷ giá còn treo.
“Những năm trước còn nhiều yếu tố nên treo lại khoản chênh lệch tỷ giá nhưng giờ sẽ phân bổ dần, 2018 không điều chỉnh giá điện nên năm nay sẽ phải tính toán”, ông Tuấn nói.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri cho biết, tăng giá điện, EVN thu được hơn 20.000 tỷ đồng, chi trả cho chênh lệch giá khí trong bao tiêu gần 6.000 tỷ đồng, EVN sẽ chi trả cho PVGas, chênh lệnh tỷ giá ngoài EVN là hơn 3.000 tỷ đồng, thanh toán cho nhà đầu tư về quyền khai thác tài nguyên nước trong giá điện trước đây chưa có, các chi phí dầu chênh lệch mua điện tăng lên cũng phải thanh toán bổ sung...
"Tổng thanh toán gần 21.000 tỷ đồng và EVN gần như trung gian thu trả lại cho các đối tác là cung cấp than, khí, nhà máy điện bán điện cho EVN và thuế. Những chi phí này EVN không thể cáng đáng và phải thanh toán", ông Tri nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, ở lần tính giá lần này, Bộ đã thực hiện đầy đủ theo quy định nhà nước, thực hiện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Chính phủ, dựa trên báo cáo của EVN và Bộ Tài chính, kiểm tra các thông số đầu vào như thuế, chi phí giá,... để đưa ra quyết định tăng giá.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN thực hiện công bố công khai và thực hiện việc điều chỉnh giá điện đến tất cả các hộ sử dụng điện theo quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.
Đồng thời thực hiện các giải pháp đồng bộ về tổ chức, quản lý, đầu tư hiện đại hóa công nghệ phát triển nguồn và lưới điện, kiểm soát hiệu quả, tiết kiệm chi phí và áp dụng các giải pháp dể giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí thường xuyên.
Bộ cũng chỉ đạo EVN triển khai đầy đủ, đồng bộ và phổ biến cho các đơn vị trực thuộc các nội dung của Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 8/3/2018.
Ngoài ra, EVN cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các cơ chế điện, cơ chế khuyến khích tài chính phủ hợp với các chương trinh quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện được duyệt, báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định...