Người dân sẽ dễ tiếp cận được tín dụng tiêu dùng

Thoa Nguyễn

Các chuyên gia cho rằng, Thông tư số 12/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi quy định các khoản vay tiêu dùng không quá 100 triệu đồng không cần lập phương án sử dụng vốn khả thi được kỳ vọng sẽ người dân có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn nhỏ.

Thông tư số 12/2024/TT-NHNN giúp các ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay ít để phục vụ đời sống, tiêu dùng... Ảnh: STB
Thông tư số 12/2024/TT-NHNN giúp các ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay ít để phục vụ đời sống, tiêu dùng... Ảnh: STB

Tạo điều kiện cho người dân vay vốn

Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Theo NHNN, có hai thay đổi quan trọng của Thông tư này là khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, tổ chức có liên quan, và các khoản vay nhỏ (dưới 100 triệu đồng) khách hàng không bắt buộc phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.

Theo bà Nguyễn Linh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), việc quy định khoản vay dưới 100 triệu đồng không yêu cầu khách hàng phải có phương án sử dụng vốn khả thi, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính trước khi tổ chức tín dụng cho vay vốn sẽ góp phần kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng.

“Những thay đổi này giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, hạn chế được tín dụng đen trên thị trường”, bà Nguyễn Phương Linh cho hay.

Về vấn đề này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cũng cho rằng, Thông tư số 12/2024/TT-NHNN chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho vay tiêu dùng, bởi đây thường là những khoản nhỏ lẻ dưới 100 triệu đồng.

"Đây không phải là quy định lỏng lẻo mà muốn đẩy mạnh tài chính tiêu dùng; tạo thuận lợi thực sự cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp", Phó Thống đốc NHNN khẳng định.

Hiện tại, cơ chế, chính sách khuyến khích ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh cho vay tiêu dùng rất rộng mở. Hàng loạt công ty tài chính, trong đó có cả công ty tài chính của các NHTM cũng được thành lập và thúc đẩy cho vay tiêu dùng.

Kỳ vọng đẩy lùi tín dụng đen

Theo thống kê của NHNN, cho vay tiêu dùng hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của toàn ngành Ngân hàng, tương đương 2,8 triệu tỷ đồng. Có 16 tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng và công ty tài chính) có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn nhất đang triển khai tới 30 sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Có thể kể đến Chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã giải ngân cho hơn 811.000 lượt khách hàng vay vốn, hiện chỉ còn hơn 83.000 khách hàng còn dư nợ. Ngoài ra, còn phải kể đến chương trình cho vay tiêu dùng trị giá 20.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ở góc độ ngân hàng, bà Nguyễn Phương Huyền - Phó Giám đốc phụ trách Khối Cá nhân Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sẽ giúp các ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay ít để phục vụ đời sống, tiêu dùng... Điều này còn góp phần giúp người dân có tâm lý cởi mở hơn khi tiếp cận các sản phẩm vay tại ngân hàng với lãi suất thấp, đúng quy định của NHNN.

Trước khi Thông tư số 12/2024/TT-NHNN có hiệu lực, vào tháng 5/2024, Sacombank đã có triển khai thêm sản phẩm vay tiêu dùng trực tuyến thông qua lương có kết nối dữ liệu CIC. Người vay có thể được nhận giải ngân nhanh từ Sacombank đối với các khoản vay nhỏ. Tại thời điểm 30/6/2024 tỷ trọng cho vay tiêu dùng cá nhân của Sacombank chiếm 16,8% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

"Một số NHTM như Agribank, LPBank đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong thời gian qua. Kể cả những ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank trước đây luôn tập trung vào phân khúc cho vay doanh nghiệp, nay cũng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, song song với việc chấn chỉnh, siết lại hoạt động cho vay tiêu dùng, hạn chế việc trước đây một số công ty tài chính cho vay tiêu dùng có những phương thức đòi nợ chưa phù hợp, cũng như lãi suất cho vay quá cao... nhằm tránh tình trạng gây mất niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của các NHTM có công ty con là công ty tài chính.

Đại diện lãnh đạo NHNN khẳng định, việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, hiệu quả và bền vững là rất cần thiết, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đó là "Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.