Người duy nhất ghi âm buổi phát thanh lịch sử trưa 30/4/1975
Tròn 50 năm trước, TS Nguyễn Nhã với chiếc cassette cá nhân là người duy nhất đã ghi âm được toàn bộ chương trình Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975, trong đó có lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.
Trưa 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tiến vào đầu não chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Ngay sau đó, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đã yêu cầu Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu... sang đài phát thanh nằm cách Dinh Độc Lập gần 2 km để đọc lời tuyên bố đầu hàng.

Lúc này, có một người đàn ông cũng đồng thời lặng lẽ theo sát diễn biến và bấm nút ghi âm lại được khoảnh khắc chuyển giao lịch sử ấy trên sóng phát thanh bằng chiếc cassette hiệu Hitachi một cửa.
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, trong căn nhà ở quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Nhã năm nay đã 86 tuổi vẫn nhớ như in và kể lại thời khắc đáng nhớ ấy. Ông cho biết, khi đó mình vừa tròn 36 tuổi, đang là Trưởng ban nghiên cứu giáo dục Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức thuộc Đại học Sài Gòn (cũ). Nghe tin Quân giải phóng sắp tiến vào thành phố, ông lập tức đưa vợ tìm đến nhà người quen trú ẩn. Gia đình ông được bố trí trong phòng học của Trường tư thục Thiên Phước (nay là Trường THCS Hai Bà Trưng) thuộc khuôn viên nhà thờ Tân Định, quận 3.
Theo ông, lúc đó tình hình chiến sự gần như đã an bài, song một số nơi ở Sài Gòn vẫn còn các cuộc giao tranh lẻ tẻ diễn ra khiến người dân lo sợ khi ra đường. Dù đi lánh nạn, ông vẫn mang theo chiếc cassette bên mình để cập nhật diễn biến thời cuộc. Vì vậy, đến gần trưa, khi nghe tín hiệu rè rè từ loa phát thanh gần nhà thờ, dấu hiệu sắp có thông báo quan trọng, ông lập tức bật máy, đặt cassette vào tình trạng sẵn sàng. Nhà thờ Tân Định cách Đài phát thanh Sài Gòn (nay là trụ sở Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh) chỉ 2km, nên tín hiệu phát sóng rất tốt. Đến chừng hơn 13h20 trưa, lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh vang lên, ông Nhã bắt đầu bấm máy ghi âm: "Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ Trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam".

Tiếp đó là lời phát biểu của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, kêu gọi người dân trở lại sinh hoạt bình thường. Cuối cùng là tuyên bố hùng hồn của Chính ủy Bùi Văn Tùng, đại diện Quân giải phóng: "Chúng tôi đại diện lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn...".
Nghe xong ba giọng nói liên tiếp vang trên sóng, tâm trạng của ông lúc đó rối bời bởi không biết cuộc sống, công việc của mình và gia đình rồi sẽ ra sao. “Năm 1954, khi 15 tuổi, tôi cùng gia đình từ Ninh Bình di tản vào Nam. Ở Sài Gòn, đi học rồi theo nghiệp của cha đi dạy. Vợ là dược sĩ, có hiệu thuốc riêng. Đại gia đình có hơn 20 người già trẻ đều có việc làm, học tập ổn định. Chúng tôi chỉ là những người dân bình thường nên không thể tránh khỏi lo lắng khi chính quyền được trao lại cho một bên khác" - ông Nhã chia sẻ.
Dù hoang mang, ông vẫn tiếp tục ghi âm, lắng nghe diễn biến tiếp theo trên sóng. Trong gần 25 phút, các lời tuyên bố được phát đi phát lại nhiều lần, xen kẽ là tiếng nhạc cải lương, ca khúc cách mạng, tiếng người bàn luận. Cùng với đó là các lời kêu gọi công nhân quay lại nhà máy, sinh viên, học sinh trở lại trường học, người của các nhiệm sở hãy đi làm bình thường chuẩn bị cho ngày 1/5, luân phiên vang lên. Ông cho biết, những người lên tiếng trong chương trình phát thanh gồm có nhà báo Kỳ Nhân (tác giả bức ảnh chụp ông Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng), nhân viên Đài phát thanh Trần Văn Bảng, nghệ sĩ Hữu Đức, GS Huỳnh Văn Tòng, công nhân nhà đèn Nguyễn Văn Quang...
“Những tiếng nói quen thuộc đã có tác động tích cực đến tâm lý của tôi và người thân, cũng như dân Sài Gòn lúc bấy giờ đang hoảng loạn. Chúng tôi đã dần lấy lại bình tĩnh. Ngay hôm sau, nghe theo lời kêu gọi, vợ chồng tôi cùng người thân tiếp tục quay lại nhiệm sở. Dù chưa làm việc ngay được nhưng cảm giác khi đó là an toàn”- ông kể.
Những ngày sau đó, Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức được sắp xếp lại, ông chuyển lên dạy hệ cao đẳng và làm chủ biên tập san Sử - Địa của Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó, đi theo con đường nghiên cứu lịch sử, chủ quyền biển đảo, văn hóa ẩm thực.
Toàn bộ buổi phát thanh dài hơn 23 phút được ông Nhã bấm máy ghi lại đầy đủ và giữ cuộn băng đó suốt nhiều năm như báu vật, làm kỷ niệm cho riêng mình. Ông cho biết, lúc bấm nút, bản thân cũng không biết máy có ghi được hay không. Sau khi kiểm tra lại và nghe thấy giọng nói rõ ràng, mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Những năm sau ngày đất nước thống nhất, ông không hề công bố đoạn ghi âm này cho ai mà chỉ nghĩ đây là tư liệu bình thường mà cơ quan chức năng cũng như các nhà đài đều có. Cho đến khi có ngành chức năng tìm hiểu về những lời tuyên bố đầu hàng lịch sử của Dương Văn Minh, ông mới tiết lộ mình đang giữ cuộn băng và chuyển nội dung sang USB để gửi các cơ quan lưu trữ.

"Lúc thu âm tôi nghĩ đơn giản là làm tư liệu cho mình nhưng khi công bố mới biết mình là người duy nhất làm việc này. Điều đó thực sự rất vui và ý nghĩa vì đã góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề ở thời khắc quan trọng của đất nước. Cuốn băng là tư liệu giúp mọi người biết được diễn biến, những ai đã có mặt cũng như nhiều nội dung liên quan buổi phát thanh lịch sử ấy”-ông Nhã chia sẻ.
Đã 50 năm đã trôi qua, chiếc máy cassette và cuộc băng ghi âm càng thêm cũ, TS Nguyễn Nhã tuổi đã cao, nhưng những minh chứng lịch sử được ông lưu giữ thì như còn mãi, để nhắc về một thời khắc quan trọng đưa đất nước bước vào giai đoạn thống nhất, đi lên…/.