Người lao động đối mặt với trí tuệ nhân tạo
Trong xu hướng cuộc cách mạng 4.0 phát triển mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc các DN sẽ theo xu thế áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất kinh doanh. Điều này dự báo sẽ có cuộc đào thải lao động, nhất là lao động trình độ thấp. Do đó trong tương lai, cần có những thay đổi về đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ năng cần thiết để bắt kịp xu thế.
Ở Việt Nam đã có rất nhiều DN đã sử dụng AI như hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Hiện một số loại máy bay hiện đại của Vietnam Airlines đã được tích hợp công nghệ AI trong một số hoạt động như khai thác tuyến bay, cập nhật hành trình, giám sát, dự báo những sự cố về kỹ thuật… Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn sử dụng phần mềm AI trong quản trị doanh thu, đóng mở chuyến bay và việc chăm sóc khách hàng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban Công nghệ thông tin Vietnam Airlines cho rằng, việc ứng dụng AI đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của hãng. Tuy nhiên việc ứng dụng các công nghệ AI vẫn phải do con người làm chủ nên hiện AI chưa thể thay thế hoàn toàn con người. Bởi vậy việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp thu, tiếp nhận và điều hành các ứng dụng AI là hết sức cần thiết.
Việc ứng dụng AI trong các DN được xem là giải pháp tối ưu trong cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác nó tác động trực tiếp tới việc làm của con người. AI sẽ thay thế hàng triệu việc làm, trong đó lao động phổ thông là đối tượng bị đe dọa nhiều nhất.
Theo dự báo của Cisco, trong số 28 triệu công ăn việc làm trong khu vực ASEAN sẽ bị giảm đi và được thay thế bởi AI, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ công ăn việc làm chịu ảnh hưởng lớn thứ 2 tại khu vực ASEAN, với 13,8% (tương đương 7,5 triệu công ăn việc làm) lực lượng lao động bị ảnh hưởng.
Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam khẳng định, chắc chắn ngành kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng trước sự tác động của AI. Đây là một thách thức rất lớn ảnh hưởng đến người lao động bởi đa số người lao động Việt Nam vẫn chưa có kỹ năng cao hoặc chưa lành nghề.
Ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong xu thế các DN đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại thì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang là một hạn chế. Lao động của Việt Nam đa phần thuộc dạng lao động phổ thông, tay nghề không cao.
Đó là những yếu tố làm cho chất lượng cũng như hiệu quả lao động của DN còn thấp, hạn chế năng lực cạnh tranh của các DN trong nước, nhất là trong thời kỳ đang đi vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với nền kinh tế số hóa rất nhiều ngành nghề, vị trí người lao động có thể mất việc.
Trong tương lai, không ngành nghề nào đứng ngoài ảnh hưởng của AI và tự động hóa và ở mức độ nào đó AI đang cạnh tranh với con người trên thị trường lao động.
Có thể thấy, với sự xuất hiện của AI đòi hỏi người lao động sẽ phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn về công nghệ, kiến thức xã hội và năng lực sáng tạo độc lập. Trong khi rất nhiều lực lượng lao động hiện nay chưa hiểu bản chất của cách mạng công nghệ 4.0. Do đó công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đủ đáp ứng được yêu cầu về công nghệ cần được nhà nước đặc biệt quan tâm. Đồng thời các DN cũng cần có sự chuẩn bị để thích ứng với kỷ nguyên AI, từ đó có những chiến lược mới về đào tạo, tuyển dụng nhân sự…
Đánh giá về sự ảnh hưởng của AI, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp cho rằng, cách mạng 4.0 sẽ làm mất đi nhiều việc làm nhưng cũng sẽ tạo ra những công việc mới đòi hỏi trình độ cao. Trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời. Tất nhiên, những công việc này đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.